|
Cán bộ LĐLĐ tỉnh phát tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân tại CCN An Xá (TP Nam Định). |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với hàng chục vạn công nhân lao động (CNLĐ). Nhằm góp phần xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ CNH-HĐH, thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2008-2012 và Quyết định 31-2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNLĐ thuộc các loại hình doanh nghiệp được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo. Các ngành: LĐ-TB và XH, LĐLĐ tỉnh vừa tăng cường phối hợp, vừa tổ chức tuyên truyền theo lĩnh vực ngành quản lý. Ngoài hình thức tuyên truyền bằng tài liệu, tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở LĐ-TB và XH, LĐLĐ tỉnh đã đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua việc tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo cho người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn, tuyên truyền trực tiếp. Đối với người sử dụng lao động, nội dung tập huấn tập trung phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội; các quy định của pháp luật trong thành lập và quản lý doanh nghiệp về hợp đồng, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp… Đối với cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp được tập huấn các quy định của pháp luật về thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, các quy định của pháp luật về công đoàn; công tác an toàn VSLĐ, PCCN, chế độ chính sách đối với lao động nữ. Đối với CNLĐ trong các doanh nghiệp, nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khiếu nại, tố cáo; các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, giải quyết tranh chấp lao động… Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, từ năm 2009 đến hết tháng 6-2011, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 75 buổi tập huấn nội dung các văn bản quy phạm pháp luật với trên 8.000 lượt cán bộ công đoàn tham gia; trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 150 buổi cho trên 30 nghìn CNLĐ. Riêng năm 2010, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống đài truyền thanh cho CNLĐ tại 3 doanh nghiệp tại KCN Hòa Xá, CCN An Xá (TP Nam Định). Trong 6 tháng năm 2011, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ tại các huyện Ý Yên, Hải Hậu, Thành phố Nam Định… Ngoài ra, các cấp công đoàn trong tỉnh còn tổ chức 60 buổi hội thảo, hội nghị về công tác phổ biến giáo dục pháp luật với 1.900 người tham dự; cấp phát 37 nghìn tờ tuyên truyền, 6.000 cuốn sổ tay và 120 băng đĩa các loại tuyên truyền nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến CNLĐ. Với sự hỗ trợ của các cấp công đoàn, toàn tỉnh đã xây dựng được 554 tủ sách công nhân, tủ sách pháp luật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của CNLĐ. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, từ năm 2009 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp. Qua kiểm tra tại 47 doanh nghiệp, các ngành chức năng đã đưa ra 649 kiến nghị xung quanh vấn đề chấp hành các văn bản pháp luật về lao động, bảo hiểm y tế, công tác an toàn VSLĐ, PCCN… yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục.
Qua hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các loại hình doanh nghiệp, với sự tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của CNLĐ trong tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cũng từ việc nâng cao hiểu biết pháp luật, phần đông CNLĐ trong các doanh nghiệp đã tự bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, đặc biệt là CNLĐ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp dân doanh. Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo về vấn đề lao động, việc làm, chế độ chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp đã giảm hẳn./.
Bài và ảnh:
Văn Trọng