Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm

07:09, 26/09/2011

Từ ngày 1-7-2011, Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực. PV Báo Nam Định có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh xung quanh vấn đề tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân và cộng đồng. 

Nguy cơ mất VSATTP từ các quầy giết mổ gia cầm tại chợ Hoàng Ngân (TP Nam Định). Ảnh: Khánh Ngọc
Nguy cơ mất VSATTP từ các quầy giết mổ gia cầm tại chợ Hoàng Ngân (TP Nam Định).
Ảnh: Khánh Ngọc

PV: Đề nghị đồng chí cho biết một số điểm mới trong Luật An toàn thực phẩm?

Đồng chí Hoàng Tiến Cường: Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17-6-2010, gồm 11 chương 72 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2011 và thay thế cho Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm. So với Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật An toàn thực phẩm đã thể hiện được chính sách của Nhà nước về công tác an toàn thực phẩm (ATTP), coi công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể về đảm bảo ATTP, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi cung cấp thực phẩm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; đồng thời thiết lập khuôn khổ pháp lý, tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc các hệ thống quản lý thực phẩm tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Luật đề cao quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm ATTP; tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng được cung cấp thông tin trung thực về ATTP, về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm. Để chủ động phòng chống, khắc phục sự cố về ATTP (ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm), luật quy định đối tượng phải được phân tích nguy cơ đối với ATTP (các loại thực phẩm có tỷ lệ gây ngộ độc cao; môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị nghi ngờ gây ô nhiễm), thông qua kết quả phân tích yếu tố nguy cơ sẽ giúp cho việc cảnh báo sớm ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Bên cạnh đó, Luật An toàn thực phẩm giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP chủ yếu cho 3 Bộ (Y tế, NN và PTNT, Công thương); các bộ được phân công quản lý theo chuỗi thực phẩm, điều này giúp quản lý chặt chẽ hơn, mỗi bộ chịu trách nhiệm trong nhóm sản phẩm phụ trách, khi có sự cố xảy ra xử lý ngay theo hệ thống. Tuy nhiên, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về ATTP. Trước đây Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm giao các bộ quản lý ATTP theo từng công đoạn (một sản phẩm thực phẩm do nhiều bộ quản lý theo từng công đoạn, khâu nuôi trồng đánh bắt do Bộ NN và PTNT, khâu lưu thông phân phối do Bộ Công thương, khâu chế biến sử dụng do Bộ Y tế). Đặc biệt luật đề cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP của UBND các cấp và phải chịu trách nhiệm về ATTP trên địa bàn. Luật cũng quy định rõ thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là 3 năm kể từ ngày cấp (điều này chưa được quy định trong Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm). Vấn đề kiểm nghiệm thực phẩm, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP cũng là nét mới được quy định cụ thể, rõ ràng.

PV: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chuẩn bị, triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Đồng chí Hoàng Tiến Cường: Để triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn thực phẩm tiếp tục phổ biến, giới thiệu nội dung Luật An toàn thực phẩm cho chủ các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, Ban quản lý các KCN và một số cơ quan liên quan của tỉnh; Chi cục đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tập huấn cho các báo cáo viên của các sở, ban, ngành và Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố. Trong thời gian tới, khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật, Chi cục sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền rộng rãi thông tin về Luật An toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan; xuất bản cuốn sách hỏi đáp về Luật An toàn thực phẩm và tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật An toàn thực phẩm; tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh thông qua việc giám sát mối nguy và phân tích nguy cơ về ATTP, giúp cho công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được chủ động; tham mưu với Sở Y tế và UBND tỉnh trong công tác phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về ATTP; chủ động phối hợp liên ngành, chú trọng phối hợp giữa 3 ngành chịu trách nhiệm chính (Y tế, Nông nghiệp, Công thương).

PV: Để Luật An toàn thực phẩm đi vào cuộc sống, đồng chí có kiến nghị, đề xuất gì?

Đồng chí Hoàng Tiến Cường: An toàn thực phẩm có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, sức khoẻ cộng đồng và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập. Để Luật An toàn thực phẩm sớm đi vào cuộc sống, Chi cục có một số kiến nghị, đề xuất sau: Đề nghị Chính phủ và các Bộ: Y tế, NN và PTNT, Công thương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, có các văn bản pháp quy về xử phạt hành chính trong lĩnh vực VSATTP phù hợp với thực tế công tác kiểm tra, thanh tra về VSATTP nhằm tăng cường hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra các cấp; có các văn bản hướng dẫn cụ thể về tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP, xét nghiệm nhanh trong các cuộc thanh tra, kiểm tra. Đề nghị UBND các cấp tăng cường trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATTP tại địa bàn, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là tại cơ sở. Hiện nay, nguy cơ mất ATTP thường xảy ra tại các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công hộ gia đình, các cơ sở dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở theo phân cấp do tuyến xã, phường quản lý. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đưa chỉ tiêu đảm bảo ATTP vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, hằng năm các địa phương có ngân sách dành cho hoạt động này. Đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp liên ngành, nhất là trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tập thể, cá nhân không đảm bảo ATTP. Những trường hợp vi phạm cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng. Đảm bảo ATTP là cả quá trình xuyên suốt, từ khâu nuôi trồng, thu, hái, đánh bắt, giết mổ (giống, thức ăn chăn nuôi, hoá chất bảo vệ thực vật...), đến khâu sơ chế, sản xuất, kinh doanh (cơ sở sản xuất, con người, sử dụng phụ gia, hoá chất dùng cho sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm...). Do đó, để đảm bảo ATTP phải kiểm soát cả chuỗi quá trình thực hiện, nên cần phải có quy hoạch (quy hoạch nuôi trồng theo vùng, quy hoạch giết mổ tập trung, quy hoạch chợ đầu mối...). Đề nghị ngành NN và PTNT sớm tham mưu cho chính quyền để thực hiện có lộ trình.

Hiện nay, trong tổng số gần 10.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, có khoảng 4,8% là doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến thực phẩm hộ gia đình với hình thức sản xuất thủ công, thô sơ. Đến thời điểm này, mới có 46,5% cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn mỏng, trang thiết bị còn thiếu thốn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động quản lý chất lượng VSATTP; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực xét nghiệm thực phẩm và mẫu bệnh phẩm của các tuyến. Đối với người tiêu dùng, đề nghị kiên quyết không mua, không sử dụng các thực phẩm nghi ngờ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ mất ATTP cho chính quyền sở tại và các cơ quan có trách nhiệm; tìm hiểu các thông tin về lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn để trở thành người tiêu dùng thông thái.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Việt Thắng (Thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com