Nam Trực đẩy mạnh chương trình nước sạch nông thôn

10:09, 22/09/2011

Những năm gần đây, người dân ở nhiều địa phương trong huyện Nam Trực phải đối mặt với tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng bởi các chất thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt tại các khu dân cư, chất thải bệnh viện, chất thải công nghiệp, nông nghiệp và các hành vi, thói quen không hợp vệ sinh. Trước thực trạng này, các địa phương trong huyện đã xác định phải ưu tiên cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh cho nhân dân và giải quyết đồng bộ các yếu tố xây dựng, công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành các công trình nước sạch; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT).

Vận hành thiết bị cấp nước ở HTX Nước sạch Sông Đào (Nam Trực).
Vận hành thiết bị cấp nước ở HTX Nước sạch Sông Đào (Nam Trực).

Từ năm 1997, HTX nước sạch Sông Đào đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ đồng, trong đó có 440 triệu đồng là vốn của đơn vị, còn lại là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. HTX đã huy động nhân dân góp vốn, tiến hành lắp đặt thiết bị cung cấp nước cho 1.500 hộ dân tại các thôn Tư, thôn Tràng, thôn Đồng Côi và 40 đơn vị thuộc khối cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn Thị trấn Nam Giang. Trong quá trình hoạt động, HTX luôn cải thiện các điều kiện kỹ thuật, nâng cao chất lượng nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Ngay sau giai đoạn tích lũy đủ vốn, HTX đã tập trung mở rộng địa bàn phục vụ, nâng cao số hộ được sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện. Đến năm 2008, HTX đã đưa vào vận hành hết công suất của hệ thống máy (140m3/h), đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho 2.770 hộ tại địa bàn Thị trấn Nam Giang và 40 đơn vị cơ quan hành chính cấp huyện. Cũng trong năm 2008, nhà máy nước Nam Dương, đã đi vào hoạt động với tổng vốn 7,4 tỷ đồng. Đây là nhà máy đầu tiên của miền Bắc có công trình bể lọc tự rửa không van khá hiện đại. Với công nghệ này, trong quá trình lọc nước tầng lọc thường bị lắng cặn thì nước phần trên tạo ra áp suất sẽ mở van máy và tự động rửa, vừa tiết kiệm điện và các hóa chất xử lý nước mà chất lượng nước luôn được bảo đảm. Bằng cách sử dụng nguồn kinh phí của Cty và vốn đối ứng của nhân dân, nhà máy đã kết nối các đường ống nước đến từng hộ gia đình. Hiện, nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho 2.202 hộ ở xã Nam Dương với khoảng trên 1 vạn người và 500 hộ ở các thôn Rót, Phan, Xây Ít, Cổ Lũng và Xứ Trưởng của xã Bình Minh. Để bảo đảm nguồn nước đạt chất lượng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, cán bộ vận hành máy luôn thực hiện đúng quy trình xử lý nước. Sau khi xử lý, nhà máy lấy mẫu nước thương phẩm tại bể chứa để kiểm tra lần cuối trước khi đưa nước đến các gia đình sử dụng. Năm 2009, nhà máy nước Nghĩa An với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, cung cấp nước cho các hộ dân của xã Nghĩa An, Nam Mỹ, Nam Cường, Hồng Quang. Bên cạnh những công trình có vốn đầu tư lớn, quy mô phục vụ rộng, trên địa bàn huyện có nhiều xã như: Tân Thịnh, Điền Xá, Nam Hồng, Nam Thanh, Nam Tiến, Đồng Sơn đã huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân và từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tiến hành đầu tư nhà máy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Nhờ sự tích cực của chính quyền địa phương và sự chung tay góp vốn của nhân dân, công tác đầu tư xây dựng các công trình cấp nước của huyện Nam Trực từ năm 2006 đến nay đã đạt 252 tỷ 300 triệu đồng. Toàn huyện đã cấp nước đạt tiêu chuẩn cho 166.880/208.600 người, 25/33 trường mầm non; 55/69 trường tiểu học; 26/26 trạm y tế; 20/20 trụ sở UBND các xã, thị trấn; 5/20 chợ. Huyện quan tâm chỉ đạo các đơn vị kinh doanh chú trọng công tác duy tu, nâng cấp công trình cấp nước nhằm bảo đảm cung cấp nước đạt chất lượng, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân. Bên cạnh đó, các đơn vị cấp nước cũng chủ động thực hiện nhiều biện pháp để phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng của khách hàng. Các đơn vị đều phân công cán bộ chuyên môn hằng tháng tiến hành lấy mẫu nước ở các trạm để kiểm tra chất lượng về vi sinh, hóa lý, độ cặn, độ đục… theo tiêu chuẩn cấp nước nông thôn; phân công cán bộ kỹ thuật môi trường theo dõi, giám sát chất lượng nước cấp cho các trạm theo địa bàn quản lý, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nhân dân sử dụng nước sạch, hướng dẫn mô hình mẫu về cấp nước sạch và VSMTNT; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện tập huấn cho cán bộ truyền thông về nước sạch và VSMT, hướng dẫn thực hiện xây dựng mô hình mẫu cầu tiêu hợp vệ sinh; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và VSMTNT; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý, vận hành cho cán bộ quản lý các trạm cấp nước và kỹ năng truyền thông vận động đối với công tác nước sạch và VSMTNT.

 Để đạt được mục tiêu 100% số dân được dùng nước hợp vệ sinh, huyện Nam Trực đang tiến hành điều tra, khảo sát lại nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, thực trạng nguồn nước và chất lượng nước đã cung cấp, trên cơ sở đó thực hiện quy hoạch cấp nước sạch và VSMTNT. Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là bộ phận người dân chưa có thói quen dùng nước hợp vệ sinh để toàn dân hiểu và sử dụng nước hợp vệ sinh. Đối với các làng nghề, huyện triển khai các biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thực hiện quy hoạch các khu, CCN tách sản xuất ra khỏi khu dân cư… Đây là những động thái tích cực nhằm nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com