Mục tiêu chính yếu nhất trong hàng loạt các đề xuất từ chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh... đến việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đều nhằm nâng cao tính minh bạch. Công khai, minh bạch càng nhiều, các cơ quan dân cử và công luận càng giám sát có hiệu quả hơn hoạt động của bộ máy hành chính xem những công bộc của dân có thực thi đúng nhiệm vụ hay không.
Nói thì dễ, nhưng khi thực thi các nhiệm vụ thì dường như tính công khai, minh bạch vẫn đang rất thiếu vắng trong nhiều lĩnh vực. Từ việc đi xin dấu cho một văn bản đã được các cấp lãnh đạo phê duyệt cho đến việc người dân cần tìm những thông tin từ các văn bản (không có dấu “mật”) mà Nhà nước ban hành đều hết sức khó khăn. Không phải vấn đề thiếu minh bạch có nguyên nhân chỉ vì thiếu sự chín chắn, hay năng lực của bộ phận này, bộ phận khác mà việc công khai thông tin đối với nhiều cơ quan Nhà nước sẽ trở nên xa vời khi mà thông tin ấy còn là món hàng làm ra tiền cho những người có đặc quyền tiếp cận thông tin. Dễ thấy nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đất đai. Tại Hội thảo “Kiểm toán thu sử dụng đất với việc tăng cường quản lý thu ngân sách, quản lý đất đai tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 15-9, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường cho rằng, lĩnh vực đất đai hiện có ba “cái nhất”, đó là: Khiếu kiện nhiều nhất (70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai), nhiều biểu hiện tiêu cực nhất (số lượng quan chức bị mất chức, xử lý hành chính, xử lý hình sự liên quan đến đất đai nhiều nhất), và thất thoát nhiều nhất. Riêng số tiền sai phạm trong quản lý đất đai các năm qua đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng và hiện vẫn chưa thể đánh giá hết thất thoát.
Sự thiếu minh bạch nhiều khi lại do những suy nghĩ thiển cận, cục bộ, tư lợi của một số cá nhân khi mà khả năng lãnh đạo cũng như tầm nhìn có hạn. Ở một doanh nghiệp lãnh đạo mà không chủ động quán xuyến công việc, sợ trách nhiệm, để cho một bộ phận cấp dưới thao túng sẽ dẫn đến sự thiếu minh bạch trong công tác tổ chức, tài chính và thậm chí nguy hại hơn là sẽ dẫn doanh nghiệp ấy đến thua lỗ, phá sản. Rõ ràng, việc xây dựng một hệ thống pháp luật đáp ứng những yêu cầu của tính minh bạch đã khó; và việc thực thi theo pháp luật để bảo đảm các yêu cầu đó lại càng khó khi mà các cấp thẩm quyền vẫn còn chưa xem công khai thông tin như một biện pháp để đưa tính minh bạch vào hoạt động của bộ máy hành chính./.
Theo: Báo Tài nguyên và Môi trường