Hỏi: Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được quy định như thế nào?
Trả lời: Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được quy định tại điều 69, Luật Thanh tra năm 2010 như sau:
1. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trực tiếp chỉ đạo hoạt động.
2. Ban thanh tra nhân dân căn cứ vào Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn, chương trình hành động và sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn đề ra phương hướng, nội dung kế hoạch hoạt động của mình.
3. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn. Khi cần thiết, Trưởng Ban thanh tra nhân dân được mời tham dự cuộc họp của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn.
Hỏi: Trách nhiệm của UBND cấp xã đối với Ban thanh tra nhân dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Trách nhiệm của UBND cấp xã được quy định tại điều 70, Luật Thanh tra năm 2010 như sau:
1. Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân những chính sách, pháp luật chủ yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của HĐND, UBND cấp xã; các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.
2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban thanh tra nhân dân.
3. Xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân, thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn chậm nhất không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị đó; xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của Ban thanh tra nhân dân hoặc người có hành vi trả thù, trù dập thành viên Ban thanh tra nhân dân.
4. Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở.
5. Hỗ trợ kinh phí, phương tiện để Ban thanh tra nhân dân hoạt động theo quy định của pháp luật./.
PV