Tháng 6-2007, huyện Nam Trực được tiếp nhận và triển khai dự án Quỹ quay vòng vốn xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình. Thời gian đầu thực hiện dự án gặp không ít khó khăn do cùng một thời điểm phải tiếp nhận và giải ngân nguồn vốn lớn, trên 3 tỷ đồng cho 1.045 hộ gia đình của 5 xã, thị trấn vay. Xác định đây là dự án có tác dụng thiết thực đến hoạt động Hội và đời sống nhân dân, phù hợp với nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp cải thiện môi trường sống của người dân nông thôn, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã tiếp nhận dự án thành lập Ban quản lý xã, thực hiện giải ngân đúng hạn, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn, hiệu quả nguồn vốn.
Ban quản lý Quỹ quay vòng vốn xã Hồng Quang (Nam Trực) kiểm tra hiệu quả vốn vay của hội viên. |
Để chị em hiểu và tích cực tham gia vào dự án, Hội LHPN các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, cơ chế của Quỹ quay vòng đến các thành viên, hội viên phụ nữ; tổ chức khảo sát từng hộ vay vốn; thành lập các nhóm vay vốn, tập huấn cho ban quản lý dự án, nhóm trưởng, nhóm phó… Đồng chí Lưu Thị Liệu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trực cho biết: Sau một năm thực hiện dự án, tại 5 xã có trên 3.000 hộ gia đình đã đầu tư trên 5 tỷ đồng cải tạo công trình vệ sinh, nước sạch, bằng 26% tổng số hộ gia đình của 5 xã. Giai đoạn đầu, do công tác giám sát của Ban quản lý dự án tại các xã chưa chặt chẽ nên nhiều hộ gia đình nhận nguồn vốn vay nhưng sử dụng không đúng mục đích, quá 6 tháng chưa xây dựng công trình, Hội LHPN huyện đã kiên quyết thu hồi, chuyển cho các hộ khác vay. Nhờ đó, việc tổ chức thu hồi gốc lãi vốn vay theo dự án dần đi vào nề nếp. Từ 5 xã ban đầu là Hồng Quang, Nam Toàn, Nam Mỹ, Nam Cường, Nghĩa An, đến tháng 11-2008, dự án mở rộng, giải ngân thêm ở xã Nam Hùng. Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay tại 6 xã triển khai dự án đã có 2.094 hộ gia đình được vay vốn với tổng số tiền đã giải ngân là 4 tỷ 670 triệu đồng. Với món vay 3-6 triệu đồng/hộ, nhưng nhiều công trình có trị giá 30-40 triệu đồng do các hộ xây công trình vệ sinh khép kín. Với cơ chế cho vay một lần, trả dần trong 5 năm, mỗi tháng các hộ trả cả gốc và lãi chỉ từ vài chục đến trên 100 nghìn đồng, phù hợp với chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Nhu ở xóm Giang, xã Hồng Quang là hộ nghèo, chồng mất sớm, nuôi 2 con học đại học và 1 con bị tật nguyền. Là một trong những hộ đầu tiên trong xã được vay 3 triệu đồng từ Quỹ, chị được anh em hỗ trợ thêm xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm trị giá 8 triệu đồng, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của gia đình. Xã Hồng Quang hiện có 397 hộ được vay vốn Quỹ quay vòng, chiếm khoảng 10% so với số hộ dân toàn xã. Đồng chí Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Trước khi triển khai dự án, toàn xã chỉ có khoảng 10% số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh, đến nay tỷ lệ này được nâng lên khoảng 60%. Bên cạnh hiệu quả trực tiếp góp phần cải thiện môi trường, điều kiện sống của các hộ gia đình, các hoạt động của Quỹ quay vòng đã tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của môi trường đối với sức khoẻ cộng đồng, trách nhiệm của mỗi người trong việc cải thiện các hành vi vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường”.
Thực tế sau 4 năm triển khai thực hiện dự án Quỹ quay vòng tại huyện Nam Trực cũng như ở các địa phương khác cho thấy nhu cầu vay vốn cải tạo công trình vệ sinh hộ gia đình là rất lớn. Mong muốn của người dân là dự án tiếp tục mở rộng đối tượng được vay vốn với món tiền được vay cao hơn do hiện nay, giá cả các loại vật tư đều tăng cao, giúp nhiều hộ gia đình nông thôn có thêm kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường sống./.