Học sinh khoa Điện và Điện tử, Trường CĐ Công nghiệp Nam Định trong giờ thực hành. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường cao đẳng nghề và 6 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), 3 trường trung cấp nghề có đào tạo TCCN. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, những năm gần đây các trường đã rà soát lại hệ thống các ngành nghề đào tạo, chú trọng tới các lĩnh vực đang được thị trường quan tâm, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ…, bổ sung nhiều ngành nghề mới vào chương trình đào tạo; cập nhật thêm thông tin mới đối với những ngành nghề có sẵn, góp phần làm tăng quy mô phát triển của ngành học. Nếu như từ năm 2001 đến năm 2006, toàn tỉnh mới có 8 cơ sở đào tạo TCCN, ở 24 ngành nghề với năng lực đào tạo khoảng 5 nghìn học sinh/năm thì đến năm 2006-2010, đã tăng lên 17 cơ sở đào tạo TCCN, ở 37 ngành nghề với khoảng 19 nghìn học sinh/năm. Riêng năm 2010, các trường đại học, cao đẳng, TCCN và các trường nghề đã tuyển được 9.284 học sinh đào tạo TCCN ở các ngành học. Các chương trình đào tạo được bổ sung, xây dựng mới theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng, hàng trăm giáo trình được biên soạn sử dụng nội bộ trong trường và hàng nghìn đầu sách được các nhà trường đầu tư mua sắm phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Hoạt động dự giờ, tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường và cấp tỉnh được duy trì thường xuyên đã giúp giáo viên các trường cập nhật, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đồng thời giúp cho công tác quản lý điều chỉnh kịp thời, sát thực tế chương trình nhiệm vụ công tác. Bằng sự cố gắng của các trường và toàn ngành trong việc chăm lo, đào tạo đội ngũ giáo viên, đến nay cơ cấu, trình độ giáo viên TCCN đã được nâng lên. Số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ thạc sỹ trở lên đạt gần 10%. Để học sinh khi tốt nghiệp ra trường nhanh chóng tiếp cận với thực tế, các trường luôn quan tâm đến các điều kiện thực hành, thực tập của học sinh. Phương pháp giảng tích cực (bài giảng tích hợp lý thuyết - thực hành) ngày càng được tăng cường. Thời gian học thực hành, thực tập của học sinh được điều chỉnh từ 30% lên 50%, có trường có tới 65% khoá học, tùy từng môn học đã giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận với các trang thiết bị, máy móc cũng như được rèn luyện kỹ năng, kiến thức cần thiết khi ra thực tế sản xuất. Nhiều trường đã sắp xếp thời gian thực hành xen kẽ trong chương trình học ngay cả với các em đang học năm thứ nhất. Nếu như trước đây, nội dung thực hành chỉ thể hiện ở tên bài một cách chung chung, thì nay, ở mỗi bài, các yêu cầu, thao tác thực hành được thể hiện rõ. Điều này đã giúp cho giáo viên dễ dàng kiểm tra, đánh giá, trang bị đầy đủ cho học sinh những kỹ năng, kiến thức cần thiết để tiếp cận thực tế. Định hướng ấy đã góp phần tăng tỷ lệ học sinh ra trường có tay nghề vững và việc làm ổn định, được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao. Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định vừa duy trì các ngành nghề truyền thống, vừa mở thêm nhiều ngành nghề mới như: Công nghệ thông tin, công nghệ may và thiết kế thời trang, tự động hóa, sửa chữa động lực và công nghệ đóng tàu… Thông qua hợp tác, liên kết đào tạo, trường đã sử dụng có hiệu quả lao động kỹ thuật, trang thiết bị của các doanh nghiệp, tạo địa bàn và cơ sở cho học sinh đi thực tập và tạo cơ hội việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, trong những năm qua, đã có gần 98% học sinh của trường tốt nghiệp được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định. Trường Trung cấp Cơ điện mỗi năm thu hút khoảng 2.000 học sinh theo học. Nhà trường hiện có hơn 10 ngành nghề đào tạo, trong đó năm 2010 đã có 2 ngành đào tạo mới gồm quản trị mạng và kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính. Với 28 phòng thực hành được trang bị nhiều thiết bị, máy móc phù hợp theo từng ngành học như máy hàn một chiều, máy hàn xoay chiều, máy chiếu, máy thùa khuy takinh… tạo điều kiện cho học sinh học lý thuyết gắn với thực hành. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tư vấn, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề, bậc đào tạo phù hợp với nhu cầu, năng lực của mỗi người, đồng thời tạo điều kiện cho các em được học nghề thứ hai để có thể đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Trong thời gian thực tập tốt nghiệp, học sinh được nhà trường liên hệ, giới thiệu tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh để từng bước tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại, rèn luyện tác phong công nghiệp. Hằng năm, tỷ lệ học sinh của trường tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi đạt trên 50%. Nhiều học sinh của trường tham gia và đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nghề của tỉnh, học sinh giỏi nghề khu vực ASEAN. Để học sinh có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhà trường đã chủ động liên kết với hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, dệt may của tỉnh và một số tỉnh khác để giới thiệu việc làm cho học sinh khi ra trường. Vì vậy, tỷ lệ học sinh của trường có việc làm ngay và thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp hằng năm đạt trên 90%.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp ở tỉnh ta vẫn còn gặp những khó khăn. Đó là sự thiếu hụt thông tin dự báo về nhu cầu đào tạo nhân lực và thị trường lao động. Nội dung đào tạo trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn công việc còn có khoảng cách khá xa. Để việc đào tạo thực sự sát với nhu cầu thực tế, rất cần sự tham gia tích cực từ phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp “đặt hàng”, liên kết đào tạo, dạy nghề theo nhu cầu với các trường chuyên nghiệp. Khi biết phía sử dụng lao động cần gì, các trường sẽ dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo phù hợp… Khi chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có tay nghề và việc làm ổn định, chắc chắn sẽ tạo nên sức hút học sinh tới các trường, nhất là khi mùa tuyển sinh vào các trường TCCN đang bắt đầu. Đồng thời dần củng cố thêm uy tín, sự tin tưởng của các trường TCCN với đơn vị sử dụng lao động, góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT của tỉnh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh