Giao Thủy đẩy mạnh đào tạo nghề phục vụ xây dựng, phát triển nông thôn

08:09, 14/09/2011

Gần 11 giờ trưa nhưng các học viên lớp dạy nghề may của xã Giao Nhân (Giao Thuỷ) do Trung tâm Dạy nghề thanh niên Sông Hồng đào tạo đặt tại cơ sở may của chị Nguyễn Thị Thái, xóm 6 vẫn đang miệt mài bên máy may. Lớp học có 30 học viên. Chị Cao Thị Nhi, 32 tuổi ở xóm 8 phấn khởi cho biết, chị rất vui khi được tham gia lớp dạy nghề vì sau khi học thành nghề, cơ sở tiếp nhận học viên vào làm việc với thu nhập 1,5-2 triệu đồng/tháng... Ở mô hình dạy nghề khác, anh Bùi Văn Liêm, Thị trấn Ngô Đồng, Phạm Văn Thuật (xã Hồng Thuận) tham gia lớp học nghề đúc dát, chạm khảm tranh đồng do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) phối hợp với Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức năm 2010. Từ một lao động không có việc làm ổn định, trong khi ruộng đất sản xuất nông nghiệp rất hạn hẹp, giờ đây anh Liêm không chỉ vươn lên làm giàu mà còn giúp cho nhiều lao động ở địa phương có việc làm.  

Sản xuất ở Cty CP Thời trang thể thao Giao Thủy.
Sản xuất ở Cty CP Thời trang thể thao Giao Thủy.

Năm 2011, qua khảo sát số người trong độ tuổi lao động của huyện Giao Thuỷ là 106.720 người, số người có việc làm là 89.830 người, số người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo là 32.989 người, chiếm tỷ lệ 31,6%; có 3.110 người có nhu cầu học nghề với các nghề may, chăn nuôi gia súc, trồng nấm, sản xuất muối sạch, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng cây cảnh, nuôi thủy sản mặn lợ, hàn điện, cơ khí, dịch vụ nhà hàng, sửa chữa xe máy, móc sợi, thủ công mỹ nghệ, đúc - dát đồng. Chỉ tiêu đào tạo nghề tỉnh giao cho huyện là 2.800 người, trong đó số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là 895 người. Từ kinh nghiệm triển khai công tác dạy nghề năm 2010, năm 2011 huyện Giao Thuỷ đã tập trung điều tra, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách của Nhà nước trong công tác đào tạo dạy nghề cho nông dân, tư vấn đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo để người nông dân và chính quyền các xã có sự lựa chọn phù hợp về ngành nghề, phương thức đào tạo cũng như bảo đảm “đầu ra” cho học viên các lớp dạy nghề. Trong số 9 xã, thị trấn tổ chức các lớp dạy nghề, có 6 xã xây dựng nông thôn mới. Để bảo đảm hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư dạy nghề cho nông dân, các nghề được huyện tổ chức dạy đều bám sát với điều kiện thực tiễn địa phương sao cho người nông dân hành nghề được và có thu nhập sau khi được học. Kết quả 6 tháng đầu năm, huyện đã dạy nghề mới cho 990 người, trong đó có 325 người thuộc Đề án 1956; số lao động có việc làm sau đào tạo đạt 85% trở lên. Với xu thế các doanh nghiệp ngành may tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất về địa bàn nông thôn, nghề may là một trong các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp được người dân đăng ký, có nguyện vọng học đông. Trên địa bàn huyện Giao Thủy hiện có Cty CP Thời trang thể thao Giao Thủy với quy mô gần 1.000 lao động, trong năm tới Cty phấn đấu tăng gấp 3 lần số lao động hiện tại. Tại Thị trấn Xuân Trường, địa bàn liền kề cũng đang có các doanh nghiệp lớn như Cty CP May Sông Hồng, Cty May Nam Định, Cty CP Trường Tiến… nên đây là nghề có nhiều cơ hội về việc làm cho người học nghề. Bên cạnh nghề may, các nghề dịch vụ gắn liền với kinh tế biển như chế biến món ăn, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chế biến thủy hải sản, nuôi thủy hải sản… cũng được huyện chú trọng ưu tiên đào tạo. Riêng ngành nghề dịch vụ du lịch, Trường Trung cấp nghề thương mại du lịch đã, đang đầu tư dự án xây dựng trường ngay tại địa bàn để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho huyện. Một số ngành nghề tuy hiệu quả kinh tế của người lao động thu được không cao song lại phù hợp với đối tượng lao động phụ nữ ở độ tuổi từ 40 trở lên như các nghề đan móc sợi, thêu ren… 

Một trong những tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới theo Quyết định của UBND tỉnh là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ trên 40% trở lên, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ còn 25%. Hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện mới đạt trên 31%. Để đến năm 2015 toàn huyện có 8 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM; giai đoạn 2 từ năm 2016-2020, phấn đấu có thêm 8 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM và giai đoạn 3 từ 2020-2025 toàn huyện hoàn thành việc xây dựng NTM theo bộ tiêu chí của Chính phủ, đẩy mạnh đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ đang được huyện tập trung chỉ đạo./.

Bài và ảnh: Vân Thi

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com