Gia phả, gia phong: Di sản tinh thần cần gìn giữ trong mỗi gia đình

03:09, 08/09/2011

Văn hóa gia đình xưa gọi là “nếp nhà” được xem trọng từ lâu đời, đặc biệt dưới thời phong kiến, do ảnh hưởng của Nho giáo. Có ý kiến cho rằng văn hóa gia đình rộng hơn “nếp nhà”, tuy nhiên ở bài viết nhỏ này, chúng tôi tạm gọi là văn hóa gia đình để bàn về một lĩnh vực được xem là “di sản” trong văn hóa gia đình, đó là gia phả và gia phong.

Trên thực tế, gia phả và gia phong là hai phạm trù khác nhau.

Gia phả là cuốn sổ ghi chép lại số liệu về tên, tuổi, nghề nghiệp, phẩm hàm... các thành viên trong gia đình và dòng tộc, được lưu giữ qua nhiều thế hệ để cháu con biết mà ứng xử như thờ phụng, hôn nhân, tránh tình trạng hôn nhân đồng huyết và cuối cùng là ý nghĩa lịch sử của cuốn gia phả của gia tộc ấy... Nhiều cuốn gia phả lâu đời có giá trị nghiên cứu và giúp cho việc xác định, thẩm định tư liệu các nhân vật lịch sử...

Còn gia phong là một phạm trù khác, dùng để chỉ “nếp nhà”, tức những vấn đề thuộc về lĩnh vực quản lý giáo dục con cháu trong gia đình, về tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nền nếp trong ứng xử tinh thần hiếu học cần cù lao động, tôn trọng đạo lý lẽ phải tình thương... trong mỗi gia đình. Không có văn bản nào quy định gia phong là gì và nó là cái gì cụ thể, nhưng phạm trù gia phong mang ý nghĩa giáo dục truyền thống gia đình.

Xưa trong gia đình, người già giữ vai trò lãnh đạo, quán xuyến các thành viên trong gia đình để từ đó dạy dỗ cách hành xử, lời ăn tiếng nói, lao động sản xuất và đạo đức tác phong. Người già, thường ông bà, cha mẹ có quyền phán xét về hành vi, thái độ của con cháu trong nhà để uốn nắn, thậm chí xử phạt (bằng đòn roi, quát mắng), hay có thể là tẩy chay kiểu đuổi ra khỏi nhà nếu quá bất trị, khó giáo dục...

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Về mặt khoa học, qua các nghiên cứu thấy rằng gia phong là một cách giáo dục tại gia đình theo truyền thống từng dòng tộc, gia đình. Bản thân gia phong có những mặt tiến bộ, có những giá trị nhất định như giáo dục đạo đức, nhân cách cho các thành viên, duy trì trật tự nền nếp trong những ngôi nhà, hay rộng hơn, trong dòng tộc. Nhà có con gái chửa hoang, con trai hư hỏng trộm cắp là sỉ nhục cả gia đình, dòng họ, phải được kiểm điểm, trừng trị hoặc giao trách nhiệm giáo dục uốn nắn cho các thành viên gần gũi. Con cháu đi - về phải chào hỏi lễ phép đối với người lớn. Người lớn có trách nhiệm nuôi dạy trẻ con cho đến lúc trưởng thành theo cách mà gia tộc quy định... Nói chung gia phong là thứ “nếp nhà” cần phát huy mặt tích cực trong xây dựng đạo đức nhân cách con người mới: có văn hóa, tri thức và lao động chân chính... Trên cơ sở những giá trị dài lâu cần gìn giữ như vậy, có thể xem gia phong, gia phả là những di sản quý báu của gia đình hiện đại. Thực tế cho thấy thời nay việc thiếu chú ý xây dựng nền nếp gia đình nên trật tự gia đình lỏng lẻo hơn, tự do cá nhân phát triển một cách tự phát... dẫn đến cuộc sống gia đình đôi khi tạm bợ, thậm chí là bi kịch khi vợ chửi chồng, con đánh bố, anh em bất hòa tranh chấp tài sản... Nhiều gia đình do xưa nay ít học hành, thiếu hiểu biết nên xem nhẹ việc lập gia phả, hậu quả là con cháu không biết ông bà cụ tổ mình là ai để lơ là việc thờ phụng... Có trường hợp con cháu trong cùng dòng tộc lấy nhau do không ai biết lịch sử quan hệ tộc phả...

Thiết nghĩ, cần tiến hành nghiên cứu giá trị của gia phong, loại bỏ mặt tiêu cực, nâng tầm lên thành di sản gia đình để phát động phong trào giữ nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, lấy đó làm tiêu chí bình xét gia đình văn hóa.

Riêng gia phả, đó là việc riêng của mỗi gia đình dòng tộc. Lập hay không lập là do mỗi gia đình, dòng tộc tự thực hiện. Tuy nhiên nên xem đó cũng là một loại “di sản” văn hóa gia đình để mà tổ chức ghi chép ngay từ bây giờ đối với những gia đình chưa có gia phả... Gia phả là cuốn sổ truyền thống truyền đời. Có cuốn gia phả mực nho, giấy bổi ba bốn trăm năm nay vẫn được giữ gìn. Nhiều thanh niên bây giờ cũng bắt đầu chú ý đến gia phả và trong nhiều gia đình đã bắt đầu lo chuyện ghi chép tài liệu về các nhân vật, các thành viên khác trong dòng tộc để tiện theo dõi sự phát triển của dòng họ và gia đình./.

Theo: baovanhoa.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com