Dịch vụ taxi trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều tiến bộ, các hãng taxi đều đầu tư thêm phương tiện, mở rộng địa bàn hoạt động về các huyện phục vụ nhu cầu đi lại của khách hàng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp taxi cần có chế tài đối với các lái xe không chấp hành quy định của doanh nghiệp, để lại hình ảnh xấu đối với khách. Vào thời điểm cơn bão số 2 gây mưa to tại tỉnh ta, tôi được chứng kiến hai người từ Hà Nội về đến bến xe Nam Định, hỏi một số xe taxi đỗ tại bến, khi nói địa điểm cần đến, các lái xe đều từ chối với lý do đi quãng ngắn cũng mất một “lượt” khách. Một lần khác trời mưa to, một đồng nghiệp của tôi cần đến một cơ quan trong thành phố gọi xe qua tổng đài nói địa điểm đi - đến, sau 10 phút chưa thấy xe, gọi lại, tổng đài “bảo” chờ thêm ít phút và cuối cùng tổng đài thông báo các xe của hãng đều “bận”. Thấy vậy, đồng nghiệp của tôi gọi sang hãng xe khác và không nói địa chỉ đến thì sau gần 10 phút đã có xe đến đón… Hành khách đi bằng tàu hoả về đến ga vào lúc nửa đêm thấy cảnh trong và ngoài sân ga đều có xe taxi thì đừng vội mừng vì nếu muốn đi phải trả tiền gấp 3-4 lần. Thậm chí nếu biết khách ở tỉnh ngoài, một số lái xe taxi còn cố tình đi vòng để kéo dài quãng đường hoặc lấy lý do không có tiền lẻ để “xin” tiền thừa của khách (!).
Để dịch vụ xe taxi thật sự tiện ích, văn minh đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng, các doanh nghiệp taxi cần nâng cao năng lực quản lý, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, kiên quyết xử lý đối với những lái xe cố tình vi phạm quy định của đơn vị về phong cách phục vụ./.
Người quản lý