Đô thị hoá đối mặt với nhiều thách thức...

04:08, 04/08/2011

 Với dự báo đến năm 2040, tổng diện tích đô thị ở nước ta sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2020, gấp 10 lần so với hiện nay và sẽ có thêm khoảng 20 triệu người Việt Nam chuyển đến sống tại các thành phố. Tốc độ phát triển khá "nóng" này mở ra không ít cơ hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là khi việc giải quyết những hệ luỵ do quá trình đô thị hoá đem lại ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thu được nhiều kết quả...

Mỗi tháng thêm một... đô thị

Theo định hướng quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam, từ nay đến năm 2015 Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo quốc gia. Từ năm 2015 đến 2025, ưu tiên phát triển các vùng đô thị hoá cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, từ năm 1999 đến tháng 5-2011 tốc độ đô thị hoá ở nước ta đã phát triển, vượt ra ngoài định hướng trước đó. Chỉ tính trong hơn 10 năm này, dân số đô thị đã tăng từ 18,3 triệu người lên trên 26 triệu người, tăng từ 629 lên 755 đô thị, tức là cứ trung bình 1 tháng thì lại thêm 1 đô thị mới.

Quá trình đô thị hoá đã thúc đẩy mạnh mẽ tới vấn đề nhập cư đô thị. Thống kê cho thấy, nếu luồng di cư nông thôn - thành thị chiếm 22,7% thì luồng di cư thành thị - nông thôn lại chỉ có 11,9%. Bởi người di dân tự do thường có xu hướng chuyển lên đô thị để tìm kiếm cơ hội công ăn việc làm và đặc biệt bị "hấp dẫn" bởi các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hạ Long... Hiện tượng nhập cư tiếp tục gây ra nhiều vấn đề phải giải quyết như nhà ở, dịch vụ, thông tin, giáo dục, chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng... Với một nền kinh tế còn chưa phát triển như nước ta thì vấn đề việc làm ở các vùng đô thị nổi lên khá gay gắt, làm nảy sinh ra nhiều tệ nạn xã hội. Kể cả tình hình dân số đô thị hiện nay và những năm tới vẫn đang rất nan giải nếu như chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá không được thực hiện có hiệu quả.

Không chỉ vậy, tốc độ đô thị hoá cao còn làm cho quy mô

hộ gia đình nhỏ đi, thúc đẩy số lượng hộ gia đình tăng nhanh. Năm 2009, quy mô hộ gia đình trung bình là 3,7 người/hộ và theo dự báo đến năm 2020 sẽ giảm xuống chỉ còn 3,2 người/hộ. Do vậy, nhu cầu nhà ở đô thị sẽ ngày càng tăng cao. Trong khi hiện nay, khu vực đô thị vẫn còn khoảng trên 5% nhà ở thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Đặc biệt, nhà "ổ chuột" chiếm tỷ trọng đáng kể tại các đô thị. Hình ảnh đó tạo nên bức tranh đô thị đối lập giữa một bên là tốc độ phát triển ngày càng cao của quá trình đô thị hoá với một bên là những khu nhà lụp xụp. Cung cầu mất cân đối, cộng với những tác động của chính sách không hợp lý..., còn làm cho giá nhà ở quá cao so với thu nhập của nhân dân đô thị.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) dẫn chứng: Chưa nói gì đến nhu cầu của người dân đô thị nói chung mà chỉ xét về nhu cầu nhà ở cho công nhân cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Bởi cả nước hiện có 245 KCC với 2,4 triệu công nhân, nhưng được dự báo sẽ tăng lên 4 triệu người vào 9 năm tới. Tương tự, xây dựng KTX cho sinh viên cũng gặp không ít khó khăn khi hiện mới đáp ứng được 20% trong tổng số 3 triệu sinh viên ngoại tỉnh... Đến nay, tình hình ở đô thị nói chung vẫn đang rất căng thẳng trên tất cả các mặt: phát triển mới, cải tạo, mua bán, chuyển dịch và quản lý.

Mất cân bằng môi sinh

Khi nói về tình hình phát triển đô thị ở nước ta, TS. Đỗ Tú Lan, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị trăn trở: Mặc dù đô thị đang phát triển tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế, song đô thị Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất cập. Không chỉ là hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu nhà ở mà còn là ùn tắc giao thông, ngập lụt trong đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị lộn xộn, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường... Hệ thống cây xanh vốn được coi là lá phổi của đô thị nhưng cũng chưa được quy hoạch và bảo vệ. Hiện nay đất để trồng cây xanh mới chỉ chiếm 2-5m2/người, quá thấp so với chỉ tiêu là 10-15m2/người. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển nghĩa trang, nơi mai táng cũng là thực trạng nan giải. Trong phần lớn các đô thị, khoảng cách từ nghĩa trang đến khu dân cư gần nhất chỉ từ vài mét đến vài trăm mét. Thậm chí tại nhiều đô thị, khu dân cư nằm tiếp giáp hoặc xen kẽ với nghĩa trang. Theo kết quả khảo sát đối với 38 đô thị thì chỉ có 5 đô thị (chiếm 13%) có khoảng cách >1.500m (đạt tiêu chuẩn). Ngoài ra, đa số các khu nghĩa trang, nghĩa địa chưa có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh mà chủ yếu dựa vào địa hình để thoát trực tiếp ra ao hồ, ruộng trũng xung quanh.

Bà Lan còn nêu vấn đề: Đô thị hoá quá nhanh không chỉ làm cho tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng mà còn gây hậu quả làm ô nhiễm không khí và tiếng ồn do phương tiện, chủ yếu là xe 2 bánh gia tăng chóng mặt. Do đó, sức khoẻ của người dân ở đô thị Việt Nam bị đe doạ lớn hơn nhiều so với các đô thị khác trên thế giới. Điều đáng nói, những thách thức này ngày càng lớn cả về số lượng lẫn quy mô, song cho đến nay vẫn chỉ là bài toán chưa có hồi đáp...

Theo: Đại đoàn kết

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com