Đạo hiếu đời mới

09:08, 11/08/2011

Mới rồi, dự mấy đám hiếu, đám hỷ, tôi được nghe những người cao tuổi truyền đọc cho nhau bài văn vần có tên "Mười thích". "Một thích có một món tiền. Để lo hiếu hỷ chẳng phiền đến con...". Bài vè này chẳng hay  lắm, không thể mang so đọ với bài hát xẩm cổ truyền dân gian "Thập ân" răn dạy con cháu phải nhớ đến công ơn cha mẹ. Thôi thì cũng là thứ dân gian đời mới, do hoàn cảnh sống mới, nhu cầu mới sinh ra. Cái thích đầu tiên của người đã có con cái trưởng thành nào cao xa đâu, chỉ là một món tiền để lo việc hiếu, việc hỷ khỏi phải phiền đến con cái. Thực tế lắm, mà cũng gắn kết tự nhiên lắm với cái đức truyền thống ông bà cha mẹ xưa "Cá chuối đắm đuối vì con". Cả đời vì con, làm được gì, dành dụm được chút gì cũng là để cho con cho cháu. Niềm hạnh phúc của các bậc sinh thành là ở nơi con cháu, không đòi hỏi, không cả muốn làm phiền dù con cái đã trưởng thành, ăn nên, làm ra. Đức lớn ấy xưa nay vẫn vậy, vẫn được các bậc ông bà, cha mẹ Việt Nam ta coi là lẽ thường, đương nhiên. Bởi thế dân gian mới có lắm thứ ca dao tục ngữ răn dạy về đạo làm con - đạo hiếu. Cũng bởi con cái là tương lai, là phần "động" so với phần "tĩnh" là cha mẹ, ông bà cả về mặt giá trị và khả năng biến đổi. Con cái có thể và phải điều chỉnh nên gia đình và xã hội luôn phải dạy dỗ, định hướng nhiều bề cho thế hệ sau, trong đó có nhắc nhở, khuyên răn làm tròn đạo hiếu.

Gia đình là tế bào của xã hội, chữ Hiếu là hạt nhân trong quan hệ gia đình, xã hội. "Con hơn cha là nhà có phúc" - đạo hiếu Việt Nam "mở", nhìn về tương lai chứ không "đóng" theo khuôn phép "tam tòng, tứ đức" của Khổng giáo. Đạo Hiếu là nghĩa vụ, trách nhiệm nhưng cũng là quyền lợi, nguyện vọng nhân ái, nghĩa tình, không vụ lợi. Đạo Hiếu là động lực giúp con cháu vươn lên đền đáp công cao đức dày của ông bà, cha mẹ, đền đáp hy vọng, mong mỏi của gia đình, dòng họ. Do vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, con người Việt Nam, từ gia đình ra xã hội đã và luôn góp phần mình thúc đẩy xã hội vượt qua khó khăn thử thách, đổi mới đi lên.

Cuộc sống đổi thay, Đạo Hiếu cũng có nhiều thay đổi. Con cái bận việc, không thể ngày ngày chăm sóc cha mẹ, lo việc nhà nên sinh ra chuyện thuê người giúp việc hoặc người chăm dưỡng ở bệnh viện. Con cháu không cùng ông bà, cha mẹ đi thăm nom người thân, bạn bè, lên chùa, hành hương hay du lịch thì nhờ hàng xóm láng giềng, cô dì chú bác hay các cụ bạn bầu cùng đưa đi, biếu quà, tiền tàu xe, ăn ở... Ấy là những biến thái trong biểu hiện Đạo Hiếu hợp với thực tế, có thể cảm thông. Song, đáng tiếc cuộc sống đâu chỉ dừng lại ở những điều phải phép như thế. Kinh tế thị trường làm cho người ta sành sỏi hơn trong những ứng xử thực dụng. Nhiều người không tự thân vươn lên trong học hành, nghề nghiệp lại giỏi lợi dụng quyền thế hoặc tiền của của bố mẹ để tiến thân, làm giàu. Có kẻ nhẫn tâm tranh giành của cải làm gia đình tan cửa nát nhà. "Các cụ cổ rồi, cũ lắm. Cứ tốt mãi như các cụ thì bao giờ ngẩng mặt lên được" - người ta phủ nhận những quan niệm sống của thế hệ trước để bon chen, giành giật lấy phần hơn ở đời. Nói đâu xa, ngay đám hiếu này, đám hỷ kia, cả lễ mừng thọ nữa, họ làm thật to, thật linh đình đâu phải vì "các cụ", họ vì mình, được thêm tiếng, thêm tiền.

Cuộc sống đổi thay, nhu cầu cũng đổi thay, trong đó có những nhu cầu mới của cả người trẻ, người già. Nhu cầu chỉ cần có một ít tiền để đi việc hiếu, việc hỷ là nhu cầu giản dị, khiêm nhường. Nhưng nhu cầu của người cao tuổi, người già ở ta bây giờ cũng đa dạng hơn, cao hơn. Theo kiểu cũ, nếp xưa thì ông bà, cha mẹ vẫn cứ thích con cháu sum vầy hằng ngày trong ngôi nhà chung "tứ đại đồng đường" hay "có phúc gả con chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho"... Mới hơn thì là nhu cầu du lịch đó đây thăm đất nước, thăm thế giới. Cao hơn nữa, ngày càng có nhiều người khát khao lao động bằng nhiều cách để đóng góp cho gia đình và xã hội... Những nhu cầu đa dạng ấy, thế hệ sau cần biết đến, cảm thông và tạo điều kiện trong khả năng của mình. Xứng với ông cha, quan tâm tới thế hệ trước - Đạo Hiếu đời mới là thế, là nấc thang mới cao hơn của đời sống xã hội./.

Theo: QĐND

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com