Dân số và vấn đề lao động - việc làm ở tỉnh ta

09:08, 11/08/2011

Hiện nay, lực lượng lao động ở tỉnh ta chiếm khoảng 55% tổng dân số. Nhóm dân số trong độ tuổi lao động cao gấp đôi nhóm dân số ở độ tuổi phụ thuộc, là nguồn lao động dồi dào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế đặt ra những thách thức không nhỏ đối với vấn đề giải quyết việc làm do nguồn nhân lực có trình độ lao động kỹ thuật vẫn thấp. 

Lực lượng lao động dồi dào nhưng không được qua đào tạo, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực.  Trong ảnh: Người lao động chờ việc trên đường Phù Nghĩa (TP Nam Định).  Bài và ảnh: Lam Hồng
Lực lượng lao động dồi dào nhưng không được qua đào tạo, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực. Trong ảnh: Người lao động chờ việc trên đường Phù Nghĩa (TP Nam Định).

Để tận dụng giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", bên cạnh việc tiếp tục kiểm soát mức sinh, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động. Các KCN, CCN làng nghề được quan tâm thúc đẩy phát triển; công tác khuyến công, khuyến ngư, khuyến nông được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có gần 4.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã góp phần giải quyết đáng kể lực lượng lao động. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, giai đoạn 2006-2010, tỉnh ta đã giải quyết việc làm cho khoảng 166,8 nghìn lượt người, trong đó có trên 11,4 nghìn người xuất khẩu lao động. Với tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 80% nên công tác đào tạo nghề và các chương trình vay vốn giải quyết việc làm được ưu tiên. Thực hiện đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020", năm 2010, qua khảo sát, toàn tỉnh có hơn 108 nghìn người có nhu cầu học nghề; nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề trên 62 nghìn lao động. Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về việc Quy định mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2010, toàn tỉnh có trên 21 nghìn lao động nông thôn được học nghề, trong đó có trên 5.000 lao động học nghề ngắn hạn miễn phí. Việc đào tạo, tổ chức dạy nghề luôn gắn với giải quyết việc làm, sử dụng lao động, bao tiêu sản phẩm, tạo ra hiệu quả rõ rệt. Số người lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 85%, mức thu nhập 1,2-1,8 triệu đồng/người/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2011, tỉnh ta tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho 15,1 nghìn lượt người.

Cùng với các chính sách, cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị luôn quan tâm đến việc giải quyết việc làm cho người lao động. Hội Nông dân tỉnh luôn coi công tác dạy nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ hàng đầu trong các chương trình hỗ trợ nông dân. Thông qua hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân, người nông dân được tập huấn về KHKT, cho vay vốn, mua vật tư trả chậm, tham gia các lớp dạy nghề trồng trọt, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản, may công nghiệp, sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu... Trung tâm thường xuyên liên hệ với các Cty, doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho hội viên nông dân. Hội LHPN tỉnh tích cực tạo việc làm cho hội viên thông qua việc mở các lớp dạy các nghề cắt may, tin học, nữ công, dệt, thêu ren, giúp việc gia đình cho khoảng 2.000 học viên mỗi năm tại Trung tâm Dạy nghề (Hội LHPN tỉnh). Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, các doanh nghiệp, vận động các cá nhân thành lập các cơ sở dạy nghề đầu mối, tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động. Hiện tỉnh ta có khoảng 45 vạn đoàn viên thanh niên, chiếm gần 28% dân số trong tỉnh là lực lượng quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; phối hợp với ngành GD và ĐT tổ chức chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", kết hợp với diễn đàn thanh niên "Chọn nghề cho tương lai", "Hành trình đến với trường nghề, làng nghề". Các diễn đàn "Tư vấn mùa thi" giúp thanh niên lựa chọn ngành, nghề phù hợp được tuổi trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Tổ chức Đoàn Thanh niên phối hợp với CLB doanh nhân Nam Định tại Hà Nội phát động cuộc thi "khởi nghiệp" tới các sinh viên trên địa bàn tỉnh; tổ chức "Ngày hội thanh niên với việc làm", "Hội chợ việc làm", "Tư vấn việc làm". Đoàn trường Cao đẳng nghề Kinh tế Kỹ thuật Vinatex phối hợp với sàn giới thiệu việc làm của nhà trường tư vấn giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên và tư vấn xuất khẩu lao động. Trường Đại học Điều dưỡng phối hợp với Cty Truyền thông hợp tác và xuất khẩu lao động tư vấn, giới thiệu về nhu cầu tuyển điều dưỡng viên làm việc tại Đài Loan. Đoàn Trường Đại học Lương Thế Vinh phối hợp với Cty CP Truyền thông FPT (Hà Nội) tổ chức "Ngày hội việc làm và hướng nghiệp" cho học sinh, sinh viên. Đoàn Thanh niên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức "Ngày hội tư vấn cho thanh niên vay vốn từ ngân hàng". Từ năm 2000-2010, toàn tỉnh có trên 139 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học tập và hơn 5.000 thanh niên được vay vốn xuất khẩu lao động. Thông qua nguồn vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp còn thực hiện 87 lượt dự án với tổng số vốn vay trên 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 1.200 thanh niên...

Theo dự báo, trong giai đoạn 2010-2020, cứ 3 người bước vào độ tuổi lao động thì có một người hết tuổi lao động. Tỉnh ta mặc dù đã tiến tới ổn định quy mô dân số song lực lượng lao động không ngừng tăng lên qua các năm gây sức ép đáng kể cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh về giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Để phát huy nguồn nhân lực trẻ, công tác dạy nghề cần được chú trọng để nâng cao chất lượng nguồn lực lao động, tận dụng được thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" để phát triển kinh tế xã hội./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com