Xây dựng nếp sống mới ở khu công nghiệp

04:08, 04/08/2011

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đổi mới, nhiều địa phương có ngành nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh. Nhiều khu công nghiệp làng nghề ra đời. Thành lập khu công nghiệp làng nghề không những tạo điều kiện để các hộ dân đưa công nghệ cao vào sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho lao động tại địa phương và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, mà còn xây dựng một nếp sống văn hoá công nghiệp, làm mẫu mực trong việc xây dựng làng văn hoá tại địa phương.

 Song ở nhiều khu công nghiệp làng nghề hiện nay thì mục tiêu trên chỉ là ảo tưởng, vì những gì xảy ra ở khu công nghiệp làng nghề đều ngược lại. Những doanh nghiệp ở khu công nghiệp làng nghề đều là những hộ dân ở các làng trong xã chuyển ra. Nếp sống của mọi người ở đây là ai làm việc gì cũng mặc người ta, không đụng chạm đến mình thì thôi. Nếp sống này là điều kiện để thói ích kỷ, tư lợi phát triển. Dẫn chứng ở một khu công nghiệp làng nghề giấy. Lúc đầu, khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng khá khang trang sạch sẽ, có đường rải bê tông, một số đường giao thông chính đã xây dựng đường đôi, có dải phân cách, có hệ thống cống thoát nước thải, có địa điểm để chất thải rắn, có đường điện… Thế rồi, có người đã thải nước thải không đúng quy định, làm ngập ngụa đường đi, đổ chất thải rắn bừa bãi làm ô nhiễm môi trường. Thấy vậy, hộ khác cũng làm theo. Rồi tất cả mọi người cùng làm. Khu công nghiệp ngập ngụa trong ô nhiễm. Lúc đầu có hộ ở cạnh đường giao thông chính đã xếp nguyên vật liệu sản xuất giấy lên dải phân cách, người khác cũng làm, hết diện tích dải phân cách thì để xuống lòng đường, vỉa hè. Con đường hai chiều trở thành một chiều mà cũng rất khó đi. Một số hộ tranh nhau chỗ để nguyên liệu đã to tiếng với nhau. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp không thực hiện bảo hộ lao động, dùng máy móc quá cũ nát… gây ra tai nạn chết người. Cứ thế, chỉ sau 5 năm, khu công nghiệp làng nghề đã trở thành vấn đề bức xúc của địa phương, là rào cản trong việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Vì sao lại có tình trạng như vậy? Bởi vì khu công nghiệp làng nghề chưa có một tổ chức hành chính quản lý. Ở đây không có chi bộ, không có ban công tác Mặt trận, không có các đoàn thể. Vì vậy việc thực thi pháp luật, việc xây dựng nếp sống văn hoá đều trông chờ ở sự tự giác của con người. Một vấn đề nhạy cảm và sát với quyền lợi vật chất của từng con người mà chỉ có lòng tự giác không thôi thì khó có thể thành công. Nhiều khi, thường trực MTTQ xã cũng muốn về khu công nghiệp để vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng đời sống văn hoá nhưng không có Ban công tác Mặt trận nên đành chịu. Đã đến lúc cấp uỷ, chính quyền, MTTQ các nơi có khu công nghiệp làng nghề cần bàn bạc để tìm ra biện pháp để khu công nghiệp trở thành nòng cốt xây dựng nông thôn mới./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com