Tuổi trẻ và xu hướng sống

08:08, 05/08/2011

Ở đô thị, một không gian thoáng đãng và xanh sạch như sân trường là một sân chơi giàu tiềm năng. Vậy mà học sinh hầu như lại không mấy hào hứng. Vai trò chơi đá cầu, chạy nhảy, nô đùa thực sự đã tạo không khí thoải mái trong giờ chơi, giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn. Nhưng các hoạt động ngoại khoá ở sân trường hay hoạt động thể lực trong giờ học thể dục lại hầu như bị từ chối.

Đối lập với không khí chật chội của sân trường, quảng trường và đường phố, công viên là nơi thu hút trẻ nhanh chóng. Với tâm lý hiếu động, ham học hỏi, ham khám phá, ham phô bày, những thành viên xếp sau "ma, quỷ" đã thử nghiệm những trò chơi táo bạo, thậm chí nguy hiểm. Như cách học các bước nhảy Hiphop một cách lan tràn hiện nay chẳng hạn. Sợ trẻ mải chơi quên học, sợ sự cám dỗ của các tệ nạn xã hội, sợ những trò chơi mạo hiểm... Đó là lý do khiến cha mẹ cấm con cái bén mảng đến sân chơi này. Nhưng càng cấm đoán thì trẻ em càng tìm cách trốn đến với sân chơi ấy. Bởi với tuổi trẻ, cái "phi chính thống" luôn có một sức hút ma mị. Quản lý chặt chẽ như vậy, hẳn nhiên là sẽ an toàn hơn, nhưng không phải đã là giải pháp tối ưu. Có khi nào chúng ta nghĩ, trẻ em phần nào đã bị mất đi tuổi thơ về cách quản lý và giáo dục như thế. Và chúng ta, liệu có thể đi hết cuộc đời để chăm chút và bao bọc con cái mình?

Cái thiếu lớn nhất trong giáo dục hiện nay là không dạy cho trẻ thái độ sống. Chúng ta chưa bao giờ đặt ra một cách rốt ráo về vấn đề coi học sinh như một nhân cách tự chủ. Chúng ta "dạy dỗ" nhiều hơn là "hướng dẫn". Chúng ta đã trượt dài theo một thói quen sai lầm trong việc tuyệt đối vấn đề tôn ti, thứ bậc trong việc chiếm lĩnh tri thức. Người thầy, cha mẹ hầu như chỉ dạy (cả áp đặt) cho học trò (con cái) "những câu chuyện rút từ trong túi áo" của mình. Biết đâu, trong đầu của tuổi trẻ, câu chuyện có khi đã nhiều hơn và sâu sắc hơn rồi. Cái chúng cần là cách thức tiếp nhận đời sống bộn bề phức tạp này thì lại không ai dạy. Không ai nghi ngờ những đóng góp của công nghiệp truyền thông, nhưng chỉ cần một vài hạt sạn đã đủ để chúng ta phải trả giá cho sự thiếu bản lĩnh của giới trẻ. Và nói về bản lĩnh, về thái độ sống, thì quả bóng lại được "chuyền" về chân giáo dục: Trẻ không được học sống. Ai dám khẳng định hoạt động ngoại khoá sẽ không thu hút được học sinh nếu nó được tổ chức theo con đường "hướng đạo sinh"? Ai dám khẳng định, học sinh sẽ không lầm đường, lạc lối, thiếu bản lĩnh nếu cứ duy trì một "xã hội hoá giáo dục" theo hướng mạnh ai người nấy làm? Ai dám khẳng định, sự phát triển bền vững của Việt Nam nếu nhìn vào những biểu hiện của giới trẻ ở các sân chơi mà thấy không cần thiết phải gióng tiếng chuông cảnh tỉnh, khích động đổi thay?

Phương châm giáo dục của J.Dewey: "Giáo dục là cuộc sống" là một trong những nền tảng làm nên sự ưu việt của giáo dục và con người Hoa Kỳ. Điều này ở Việt Nam - dường như vẫn chưa được biết đến./.

Theo: Tài nguyên và Môi trường



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com