Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Trực Ninh có sự phát triển mạnh, đời sống của nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày cũng đã nảy sinh những mâu thuẫn giữa các thành viên trong cộng đồng làng xóm, thậm chí trong gia đình, họ tộc; các vụ tranh chấp đất đai, ngõ xóm vẫn xảy ra. Nếu không giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến mất đoàn kết, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương.
Trước thực trạng này, huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo thành lập các tổ hoà giải theo mô hình thôn, xóm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải. Đến nay, toàn huyện có 390 tổ hoà giải với 2.098 thành viên ở 390 thôn, khu dân cư của 21 xã, thị trấn. Phòng Tư pháp huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban hoà giải gồm đại diện của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, do đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã, thị trấn làm trưởng ban; đồng thời khuyến khích các thành phần là trưởng ban Mặt trận, trưởng thôn, xóm, dòng họ hoặc những người lớn tuổi có uy tín tại địa phương tham gia tổ hoà giải. Các thành viên tổ hoà giải là những người am hiểu về pháp luật, phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong nhân dân, gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để các tổ hoà giải hoạt động hiệu quả, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, quản lý Nhà nước cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở. Cùng với các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, hằng năm, Phòng Tư pháp huyện tổ chức các hội thi hoà giải viên giỏi, qua đó giúp các hoà giải viên có điều kiện nâng cao kiến thức, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ giữa các hoà giải viên ở các địa phương trong huyện, đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyên môn. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, hoạt động hoà giải ở cơ sở đã tham gia giải quyết các băn khoăn vướng mắc trong sinh hoạt hằng ngày của người dân trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa và hạn chế những tranh chấp nảy sinh. Nhiều vụ việc được kiên trì hoà giải, hạn chế những hậu quả xấu, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Những năm qua, các tổ hoà giải trong huyện hoà giải thành công trên 86% tổng số vụ việc. Trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng số vụ hoà giải trong toàn huyện là 103 vụ, trong đó đã hoà giải thành công 87 vụ, đạt trên 80%. Tại xã Trực Nội - đơn vị tiêu biểu về hoạt động của các tổ hoà giải, Ban hoà giải của xã duy trì sinh hoạt hằng quý để nghe các tổ hoà giải báo cáo tình hình hoà giải ở cơ sở, đồng thời nêu những khó khăn và kinh nghiệm qua những vụ việc thực tế để các thành viên thảo luận. Tại buổi sinh hoạt, các thành viên trong tổ hoà giải được cấp phát tài liệu gồm các văn bản pháp luật, Tạp chí Tư pháp Nam Định, các tài liệu tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma tuý… Ngoài ra, các tổ hoà giải thôn, xóm cử đại diện đi dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ hoà giải và các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến công việc chuyên môn. Do đó, trong 5 năm trở lại đây, Ban hoà giải xã đã hoà giải thành công 126 vụ, việc, đạt 89% so tổng số vụ việc phát sinh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh việc hoà giải các vụ việc, các hoà giải viên còn tích cực tuyên truyền những văn bản pháp luật, vận động nhân dân thực hiện các phong trào ở địa phương như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội; phong trào ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo…
Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực và lòng nhiệt tình với nhiệm vụ được giao của lực lượng hoà giải viên, hoạt động hoà giải ở huyện Trực Ninh ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự gắn kết, đồng thuận giữa chính quyền cơ sở và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền; giảm thiểu những tranh chấp, khiếu kiện không đáng có trong nhân dân./.