Toàn dân tích cực hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

08:08, 10/08/2011
Nguyễn Trung Tính
Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin tỉnh

Cách đây 50 năm, ngày 10-8-1961 chiếc máy bay trực thăng H34 của đế quốc Mỹ lần đầu tiên rải chất độc hoá học xuống phía Bắc tỉnh Kon-Tum thuộc chiến trường miền Nam mở đầu cuộc chiến tranh hoá học thảm khốc nhất, tàn bạo nhất với quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Trong 10 năm, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hoá học, trong số đó có chứa 366kg điôxin, một loại hoá chất độc hại nhất từ khi loài người tìm ra chất độc đến nay.

Chất độc hoá học đã gây ảnh hưởng nặng nề đến 3,06 triệu héc ta đất canh tác, tàn phá hàng triệu héc ta rừng và đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng trong nhiều năm, làm đảo lộn hệ sinh thái, khiến nhiều loại động vật và thực vật bị tiêu diệt.

 Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân (trong đó có nhiều trẻ em). Hàng trăm ngàn nạn nhân đã qua đời. Hàng trăm ngàn người khác đang sống trong bệnh tật hiểm nghèo khó chữa. Nhiều phụ nữ bị tai biến sinh sản, mất khả năng làm mẹ. Xót xa nhất là con cháu họ - thế hệ không tham gia chiến tranh cũng trở thành nạn nhân của chất độc hoá học với dị dạng, dị tật ngay từ khi mới ra đời, không được hưởng hạnh phúc tối thiểu như những con người bình thường.

Chiến tranh đã qua đi 36 năm, mặc dù đất nước ta đã đạt được sự hồi sinh kỳ diệu trên nhiều mặt, nhưng hậu quả của CĐDC/điôxin vẫn nặng nề. Phần lớn những gia đình nạn nhân CĐDC đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo và vô vọng. Họ là những người nghèo khó và đau khổ nhất.

Đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào hành động vì nạn nhân CĐDC. Ảnh: Xuân Thu
Đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào hành động vì nạn nhân CĐDC.
Ảnh: Xuân Thu

Tỉnh Nam Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có hàng chục vạn người con với tuổi thanh xuân phơi phới đã tình nguyện lên đường vào chiến trường miền Nam phục vụ chiến đấu và chiến đấu giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã hy sinh thân mình vì đất nước. Nhiều người bị thương tật. Nhưng đau xót hơn, gần 30 ngàn người trong số họ bị phơi nhiễm CĐDC/điôxin. Tỉnh ta, nằm trong những tỉnh có số lượng nạn nhân nhiều nhất cả nước.

Để ghi dấu và cực lực lên án tội ác chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ trên đất nước ta, theo đề nghị của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 6-8-2004 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý lấy ngày 10-8 hằng năm là ngày “Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”. Cũng vào ngày này hằng năm cả nước dấy lên phong trào toàn dân chăm sóc ủng hộ giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Tiếp theo ngày 29-6-2005 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành “Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”; trong đó quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, bị suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Hàng loạt chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành đã từng bước quan tâm đến việc khắc phục hậu quả CĐDC, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngày 10-1-2004 Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin Việt Nam ra đời. Hội là một tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao; là cầu nối giữa nạn nhân chất độc da cam và cộng đồng xã hội. Hội có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân CĐDC, đại diện cho các nạn nhân trong quan hệ với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Hội đã thay mặt cho 3 triệu nạn nhân CĐDC cả nước khởi kiện 37 Cty hoá chất Hoa Kỳ sản xuất hoá chất độc phục vụ cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ tại Việt Nam. Vụ kiện không chỉ đã dấy lên trong cả nước phong trào đấu tranh đòi công lý, ủng hộ nạn nhân CĐDC mà đã trở thành phong trào mang tính quốc tế rộng lớn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vụ kiện đã có tác động mạnh mẽ đối với dư luận và chính giới Mỹ.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền trong toàn tỉnh, 12.358 nạn nhân đã được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Trong đó, có 9.350 nạn nhân trực tiếp và 3.002 nạn nhân gián tiếp. Ngày 17-1-2006, Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin tỉnh được UBND tỉnh cho phép thành lập và tổ chức đại hội ra mắt. Đến tháng 5-2010 toàn tỉnh đã thành lập được 10/10 Hội huyện và thành phố, 224/229 tổ chức hội và chi hội cấp xã, phường, thị trấn, kết nạp, cấp thẻ và trao huy hiệu hội cho 9.840 hội viên. Hệ thống tổ chức hội được xây dựng và phát triển nhanh, vị thế uy tín của hội càng được khẳng định và nâng cao.

Với tinh thần và trách nhiệm, lương tâm đạo lý và nghĩa cử cao đẹp, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, HĐND và UBND các cấp; các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tích cực ủng hộ giúp đỡ nạn nhân CĐDC cả về tinh thần và vật chất. Năm năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã vận động quyên góp tổng giá trị quy ra tiền 3,48 tỷ đồng. Số tiền quyên góp được đã trực tiếp giúp đỡ chăm sóc nạn nhân xây, sửa 134 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất cho 480 gia đình nạn nhân, cấp dụng cụ sinh hoạt và phục hồi chức năng cho 1.164 gia đình nạn nhân, tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 533 lượt nạn nhân, cấp học bổng cho 122 cháu, tặng quà nhân dịp ngày vì nạn nhân CĐDC 10-8 và lễ, tết cho 18.370 lượt nạn nhân và nhiều hoạt động khác. Những hoạt động trên đã góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của các nạn nhân, giúp họ vượt khó vươn lên, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn đó, nó là nguyên nhân gây biết bao thảm cảnh cho người dân Việt Nam. Sự thật phải lên tiếng, tội ác phải bị vạch trần, công lý phải được tôn trọng. Đó là tiếng gọi của cuộc sống, của lương tri và lẽ phải.

Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức kỷ niệm thảm hoạ da cam ở Việt Nam. Đây là dịp thêm một lần nữa khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, thấu hiểu hơn nữa những mất mát to lớn, tri ân những người đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho hàng triệu nạn nhân và gia đình họ.

Kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam góp phần nối tiếp nhịp cầu hữu nghị, gắn kết các nạn nhân CĐDC các nước trên thế giới thành một khối thống nhất, hành động vì mục tiêu chung là đấu tranh chống chiến tranh hoá học, chống vũ khí giết người hàng loạt, bảo vệ hoà bình, bảo vệ môi trường sống, trả lại sự công bằng cho các nạn nhân CĐDC.

Nửa thế kỷ thảm hoạ da cam ở Việt Nam - nhớ lại và suy nghĩ, đau thương và hành động. Hành động một cách tự giác, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất, thể hiện rõ nét nhất đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp này thay mặt cho gần 30 ngàn nạn nhân CĐDC trong toàn tỉnh, Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin tỉnh trân trọng kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng các tầng lớp nhân dân hãy tích cực hưởng ứng “Phong trào hành động vì nạn nhân CĐDC ở Việt Nam", quan tâm ủng hộ chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC tỉnh nhà với tình cảm và hành động thiết thực nhất, hiệu quả nhất.

Hãy đến với các nạn nhân CĐDC, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Đến với nạn nhân CĐDC là đến với nỗi đau tột cùng của con người, nhưng cũng ở đây tính bản thiện của mỗi con người Việt Nam “thương người như thể thương thân” được thể hiện rõ nét nhất. Cũng chính ở đây, lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm trên thế giới ngày được tôn vinh./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com