Tăng giá viện phí và nỗi lo mất cân đối quỹ BHYT

08:08, 03/08/2011

 

Những năm qua, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) nâng cao việc thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Năm 2010, đã cân đối quỹ KCB BHYT trong toàn tỉnh. Trong đó, Quỹ BHYT được sử dụng trên 328,4 tỷ đồng, chi chăm sóc sức khoẻ ban đầu trên 3,4 tỷ đồng, chi KCB trong tỉnh trên 192,8 tỷ đồng, chi KCB ngoài tỉnh trên 112,9 tỷ đồng, kinh phí còn dư 19,2 tỷ đồng. Năm 2011, BHXH tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu cân đối quỹ BHYT. Tuy nhiên, những nguy cơ làm mất khả năng cân đối quỹ BHYT luôn tiềm ẩn, một trong những nguy cơ là việc tăng viện phí.

Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng cao, gây khó khăn cho việc cân đối quỹ BHYT.
Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng cao, gây khó khăn
cho việc cân đối quỹ BHYT.

Trên thực tế, mức giá viện phí cũ ban hành từ năm 1995, không còn phù hợp với nhu cầu KCB của người dân hiện nay, vì giá vật tư y tế, hoá chất, thuốc tăng cao. Bên cạnh đó, kỹ thuật, công nghệ y tế ngày càng phát triển, các yêu cầu về vô trùng, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế ngày càng cao cũng làm chi phí KCB gia tăng. Thực tế này, đòi hỏi phải tăng giá viện phí mới đảm bảo chất lượng dịch vụ. Mới đây, trong dự thảo đề án điều chỉnh viện phí của Bộ Y tế dự kiến tăng giá 350 loại dịch vụ y tế, trong đó có 220 loại dịch vụ có mức tăng dưới 2,5 lần, khoảng 70 loại dịch vụ có mức tăng 7-10 lần. Việc điều chỉnh khung giá vẫn theo nguyên tắc cũ và tính các loại tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hoá chất, điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị và các chi phí phục vụ việc chẩn đoán, điều trị...; các khoản được ngân sách Nhà nước cấp vẫn giữ nguyên nhưng việc tăng giá dịch vụ y tế quá lớn sẽ khiến quỹ BHYT khó cân đối và người dân cũng khó gánh nổi. Năm 2010, tổng số tiền thu BHYT toàn tỉnh đạt trên 291,2 tỷ đồng (tăng 112,3%) so với năm 2009, nhưng việc chi quỹ BHYT mỗi năm cũng tăng gần 30%. Chính vì thế, khi viện phí chưa tăng, ngành BHXH phải thực hiện tốt việc giám sát, quản lý chi phí KCB mới cân đối được quỹ. Năm 2010, toàn tỉnh còn 10 cơ sở KCB BHYT vượt quỹ, trong đó có 3 cơ sở y tế, quỹ KCB BHYT không đủ để thanh toán chi phí KCB đa tuyến là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ, Bệnh viện đa khoa Thành phố Nam Định. Trong 5 đơn vị KCB theo định suất, còn 2 cơ sở bội chi trên 1,4 tỷ đồng. Nếu tăng giá dịch vụ y tế, khả năng quỹ BHYT bội chi là không tránh khỏi. Khi đó, mức đóng BHYT tăng lên, gây khó khăn cho người tham gia BHYT, nhất là trong điều kiện đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn.

Việc điều chỉnh khung giá của các dịch vụ y tế phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng được yêu cầu KCB là cần thiết, nhưng cần có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một cách tổng thể, có lộ trình và theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí y tế. Ngoài ra, giá viện phí cần xác định cụ thể theo hạng bệnh viện để đảm bảo sự công bằng giữa các cơ sở KCB cùng tuyến. Hơn nữa, việc tăng viện phí phải đi cùng với việc tăng chất lượng dịch vụ KCB. Có như vậy mới khuyến khích người dân tham gia BHYT./.

Bài và ảnh: Hồng Hạnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com