Luồng tuyến và vận tải thủy từ trước tới nay chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa được đầu tư đúng mức, bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông không cao bằng đường bộ, do đó tai nạn luôn trực chờ, nhất là trong mùa mưa lũ.
Quá nhiều bất cập
Với giao thông thủy, phao tiêu, biển báo là người chỉ đường. Một khi hệ thống phao tiêu, biển báo thiếu, phương tiện cứu hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thì thiệt hại do tai nạn giao thông là không tránh khỏi.
Chỉ tính riêng mùa mưa bão năm 2010, tổng thiệt hại hệ thống báo hiệu trên các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) lên đến gần 6,2 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến luồng tuyến và ATGT tại các điểm đen, các công trình vượt sông.
Thực tế cho thấy, do nắm bắt và xử lý thông tin còn chậm nên việc phòng chống bão, lũ hiệu quả chưa thực sự cao. Trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, tình trạng mất cắp và biển báo hư hỏng vẫn diễn ra phổ biến. Qua nhiều đợt thiên tai gây hậu quả lớn nhưng công tác thu hồi, di dời báo hiệu chưa được các đơn vị quan tâm thực hiện. Việc báo cáo, thống kê cũng chưa kịp thời, số liệu còn thiếu. Công tác kiểm tra sau bão, biên bản xác nhận thiệt hại sau bão lũ phần lớn vẫn chưa đúng quy định dẫn đến công tác khắc phục hậu quả còn chậm hoặc phải làm đi làm lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị phương tiện phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn hạn chế nên nhiều phương tiện hư hỏng, xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu công tác. Việc thiếu quy hoạch xây dựng trụ neo, phao neo tại các vị trí cần thiết dẫn đến nhiều thiệt hại xảy ra do phương tiện tránh bão không có chỗ trú ẩn.
Điều kiện hạ tầng còn nhiều hạn chế lại thêm ý thức chấp hành Luật GTĐT của người dân chưa nghiêm khiến tai nạn trên các tuyến đường thủy ngày càng gia tăng, thiệt hại trong mùa mưa bão ngày càng lớn. Tình trạng phương tiện không đủ điều kiện vẫn lưu hành, người tham gia điều khiển phương tiện và thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn vẫn phổ biến.
Chủ động hơn để giảm thiệt hại
Bước vào mùa mưa bão năm nay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã triển khai phương án PCLB và TKCN, trong đó, tăng cường kiểm tra và có kế hoạch bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở ĐTNĐ, kiểm tra thực hiện giảm tải trong mùa lũ. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra những vị trí neo đậu tàu, thuyền, công tác chống va trôi để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện thủy và các cầu.
Nhằm bảo đảm giao thông tại các khu vực xung yếu, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã đề xuất và được Bộ GTVT chấp nhận chi 17 tỷ đồng cho công tác thường trực điều tiết khống chế bảo đảm giao thông và chống va trôi để phục vụ công tác PCLB và TKCN tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.
Theo đó, tại miền Bắc có các cầu: Đuống, Hồ, Triều Dương, cụm cầu Long Biên - Chương Dương và cầu sông Mới. Khu vực miền Trung gồm các cầu: Đò Lèn, Hàm Rồng, Yên Xuân, Lam Kỳ và cụm cầu Chợ Thương - Thọ Tường. Khu vực miền Nam được lắp đặt 5 phao neo và báo hiệu cho tàu thuyền neo đậu để đảm bảo giao thông và trú tránh bão, lũ trên sông Sài Gòn - khu vực cầu đường sắt Bình Lợi.
Ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, Cục đã yêu cầu các đơn vị nhanh chóng kiện toàn Ban PCLB và TKCN, tổ chức các đội xung kích để khắc phục nhanh nhất hậu quả lụt, bão. Chủ động ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn trên ĐTNĐ, đảm bảo kênh thông tin liên lạc thông suốt trong các tình huống khẩn cấp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra./.
Theo: giaothongvantai.com.vn