Sự “thoả hiệp” đáng lo ngại

08:08, 05/08/2011

Kết thúc chương trình cao học, Thu hả hê vì sắp “thoát” khỏi cảnh vừa học vừa làm bận hơn nuôi con mọn. Do đinh ninh chỉ cần chờ đến ngày bảo vệ tốt nghiệp là xong, nên đến khi nghe các học viên khác truyền tai nhau về khoản tiền “to đùng” sắp tới để “lót” thầy hướng dẫn, Thu không khỏi giật mình…

Học vì chức danh

Tại một học viện lớn ở Hà Nội, mỗi lớp thạc sỹ có hàng chục, thậm chí hàng trăm học viên, đủ ở mọi lứa tuổi, trong số đó không ít người sắp đến tuổi nghỉ hưu. Học để nâng lương, thăng chức; học để bằng bạn bằng bè; học để kiếm được chỗ làm “ngon”; học để có cớ xin tiếp tiền bố mẹ;… là những lý do mà rất nhiều người trong cuộc “bật mí”.

Chị Hằng đã gần 20 năm làm việc tại một viện nghiên cứu mà vẫn lẹt đẹt là nhân viên “quèn”, dù được đánh giá cao trong công việc. Mới đây, sếp có ý “nhắm” chị cho chức trưởng phòng nhưng yêu cầu chị phải đi học thạc sỹ. Thế là ngót nghét 50 tuổi, chị Hằng vẫn cố lên lớp ôn dù biết rằng kiến thức qua các buổi học với tuổi chị là rất khó tiếp nhận.

Thuộc diện cơ quan cử đi, chị Lan hàng tuần từ Thái Bình lên Hà Nội. Chị tâm sự: “Đi lại vất vả, tốn kém, nhất là đang đi làm lại phải ngồi học nên càng thấy mệt. Nhưng phải có tấm bằng thạc sỹ, đợi lúc bố chồng mình về hưu mới có cái cớ đề bạt mình”.

Với những trường hợp tuổi cao, nhà xa hay bận công việc thì việc theo học đầy đủ các buổi của lớp cao học thực sự là điều khó khăn. Vì vậy, nếu như trước đây, hiện tượng học hộ chỉ xuất hiện ở các lớp tại chức thì hiện nay dịch vụ này cũng đang phổ biến ngay đối với những người theo học thạc sỹ. Một phần, do nhu cầu của người học, phần khác vì sự quản lý lỏng lẻo của các trường nên chỉ cần bỏ ra 40.000-60.000 đồng là học viên có thể không cần phải đến trường mà vẫn đảm bảo có mặt đầy đủ tất cả các buổi học.

Điều đáng nói, không ít sinh viên vừa tốt nghiệp đã thi cao học chỉ vì chạy đua theo “trào lưu”. Ra trường mãi không tìm được chỗ làm ưng ý, Quang quyết định đăng ký ôn cao học ngành ngôn ngữ của trường Đại học KHXH và NV. Quang chia sẻ: “Đằng nào cũng chưa đi làm nên tụi bạn rủ em cùng đi ôn cho vui. Tiện thể xin tiền bố mẹ sẽ dễ hơn. Với lại, thấy bảo muốn vào làm ở cơ quan Nhà nước cũng không dễ gì, nên thôi tạm thời mình cứ đi học lên đã, rồi tính tiếp…”.

Chính vì mục đích “vô tư” ấy nên không chỉ Quang mà rất nhiều bạn trẻ đăng ký ngành học nhưng lại không phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Thực trạng này lý giải vì sao mà hiện giới trẻ khi bắt tay vào công việc vẫn thiếu và yếu về kỹ năng, đặc biệt là niềm đam mê công việc.

Tự nguyện nhưng “bắt buộc”

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, không ít người tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành vì niềm ham học và muốn nâng cao trình độ. Ngược lại, do đa phần học viên là những người đã có thu nhập nên sẵn sàng bỏ ra “đống tiền” để học cho xong, miễn là có bằng. Sự nhiệt tình của trò, sự thoả hiệp của thầy cô vô tình đã dẫn đến những cuộc “mua bán ngầm”. Tuy tốn kém nhưng đa phần các học viên đều vui vẻ chấp nhận với suy nghĩ “có đi thầy, tốt nghiệp mới xuôi”. Thừa nhận rằng thầy cô không đòi hỏi phong bì nhưng tâm lý chung của các học viên là: nếu không đi, liệu thầy có hướng dẫn nhiệt tình, tạo điều kiện cho mình như những học viên khác?

Không chỉ là “lệ phí” sát ngày tốt nghiệp mà trong quá trình học, chuyện “bồi dưỡng” thầy cô dạy cao học cũng là điều không thể “lơ là”. Ngoài học phí, một học viên còn “bật mí” một danh sách dài dằng dặc các khoản tiền phải đóng trong năm. Theo học viên này, những khoản tiền phong bì cho thầy, mời thầy đi ăn sau mỗi môn học, tuy là tiền tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc. “Mình bỏ công sức ra học thì chẳng lo chuyện trượt. Nhưng bồi dưỡng thầy cô trở thành quy định của tập thể lớp, chẳng lẽ mình lại từ chối tham gia!”. Còn đối với không ít học viên, thậm chí có cả những “ông to bà lớn” không có nhiều thời gian dành cho việc học thì chuyện đi riêng thầy cô để được cho qua môn học là chuyện dễ hiểu.

Hiểu được mong muốn của trò nên một bộ phần thầy cô đã sẵn sàng thoả hiệp, coi đó như “một sự giúp đỡ” học viên. Tình trạng này tất yếu sẽ dẫn đến hệ lụy về chất lượng khi mà quy mô đào tạo bậc thạc sỹ của rất nhiều cơ sở đang ngày càng tăng? Suy cho cùng, với nhiều người, tấm bằng cao học giúp họ giải quyết được rất nhiều thứ, từ việc được đề bạt lên chức cho đến việc được nâng ngạch lương. Đó là hệ lụy tất yếu của một xã hội còn “sính” bằng cấp hiện nay. Do vậy, cơn sốt thi cao học vẫn đang nóng lên từng ngày./.

Theo: Bảo hiểm xã hội



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com