Sống xanh góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu

09:08, 25/08/2011

Sống xanh vốn dĩ là lối sống phổ biến của người Phương Đông theo triết lý sống hài hòa với thiên nhiên. Và đây đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn.

Như một lẽ thường

Chúng ta đang "đi vào" cuộc sống xanh như một xu hướng ngẫu nhiên, một thái độ sống đối phó lại với những hậu quả tiêu cực của cuộc sống công nghiệp dồn nén, hủy hoại môi trường đưa đến. Có rất nhiều hình ảnh sống động, như một lẽ thường minh chứng cho xu hướng sống xanh đang âm thầm "ngấm" đến từng hành động của mỗi chúng ta. Ngay như việc đi chợ thôi, những mớ rau non nõn nà một thời được ưa chuộng, nay không phải là sự lựa chọn của các bà nội trợ. Đơn giản, họ muốn tìm đến những sản phẩm rau sạch chứ không phải những sản phẩm "đẹp" nhờ thuốc kích thích tăng trưởng.

Trong một xu hướng sống mới, người ta cũng đang có xu hướng tìm đến những nơi sống sinh thái, thoáng mát bởi có quá nhiều áp lực từ những nơi đô thị chật chội, ô nhiễm. Thế nên, hiện xu hướng mua nhà sinh thái đang trở thành một làn sóng mới. Và mặc nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng thì thị trường nhà vườn, khu sinh thái vẫn đắt khách. Điều đó chứng tỏ, sống xanh đang là một xu hướng tất yếu.

Nhưng chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu

Trong một thời gian dài phát triển công nghiệp như vũ bão, nhiều nước phương Tây đã phải trả giá đắt cho sự thái quá của mình: Môi trường sống bị tàn phá do công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nhưng thật may, họ đã kịp thời tỉnh ngộ, hướng đến một cuộc sống bền vững hơn, gắn bó, hài hòa với thiên nhiên hơn. Các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng theo đó được đầu tư nghiên cứu và sản xuất. Nhiều nước, các dạng năng lượng bền vững, tái tạo và bảo vệ môi trường được chú trọng đặc biệt như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sóng biển, năng lượng tái sinh từ rác thải…

Trong công cuộc phát triển ấy, rất nhiều nước đi sau cũng "tự rút ra bài học" để tránh những hệ lụy. Thế nhưng, với Việt Nam, trong khi chúng ta chưa định hình, xây dựng một nền công nghiệp hiện đại cho rõ hình hài thì các quốc gia khác đã nhanh chóng rẽ lối đi khác theo hướng bền vững, hài hòa hơn.

Lối đi nào cho sống xanh ?

Thực ra, sống xanh đơn giản là vì con người và vì hệ sinh thái. Sống xanh cũng là góp một phần vào chống biến đổi khí hậu. Đó là cuộc sống mà mọi nhu cầu được đáp ứng hôm nay trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng tài nguyên của thế hệ tương lai. Và ở thời điểm này, chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu, mới chớm vào vạch xuất phát để tạo lập một cuộc sống xanh. Thế nên, hướng đi, lựa chọn của chúng ta cần tỉnh táo, cân nhắc những hạn chế, tận dụng những lợi thế để phát triển. Chúng ta không thể dùng tiền ngân sách ào ạt nhập công nghệ mới trên giấy mà thực chất lại là những công nghệ cũ, lạc hậu, biến đất nước thành một "bãi rác công nghệ" cho cả thế giới. Chúng ta không thể sống xanh khi những lựa chọn, quyết định chỉ nhăm nhe cho lợi ích cá nhân hay một vài nhóm lợi ích nào khác ! Bài học về nhập khẩu những nhà máy xi măng, nhà máy đường… vẫn còn đó.

Mong mỏi một cuộc sống xanh là điều mà tất cả đều hướng tới. Nhưng cũng cần xem khả năng, năng lực của chúng ta như thế nào để tìm cho mình một lối đi thích hợp trong xu hướng mới của thời cuộc là chính trị xanh, kinh tế xanh, công nghệ xanh, kiến trúc xanh… Tất cả đều không dễ, nó phụ thuộc vào tầm nhìn xanh, tư duy xanh, hành động xanh.

Trở lực trên con đường hướng tới cuộc sống xanh là không nhỏ. Nhưng trong công cuộc hướng đến một cuộc sống đích thực vì con người, vì thiên nhiên ấy, chúng ta có một lợi thế rõ ràng, đó là văn hóa, là triết lý sống hài hòa với thiên nhiên đã sâu rễ trong tâm thức, trong truyền thống. Chỉ có điều, làm sao chúng ta gắn kết hành động thành một mối, thành động lực để hướng tới một cuộc sống xanh.

Sống xanh - đó là sự trở về, là những giá trị truyền thống được nâng lên trong thời đại mới. Làm được điều đó, chúng ta sẽ khác xa các nước phương Tây bởi họ đã phải lần mò, tìm kiếm rất nhiều để xây dựng một lối sống mới, thói quen mới./.

Theo: monre.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com