“Phi trí bất hưng”

07:08, 18/08/2011

“Phi trí bất hưng”, điều ấy gắn liền với “phi nông bất ổn”, “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt” là sự khẳng định của Lê Quý Đôn khi bàn về quy luật thịnh suy của một quốc gia. Thật ra, đây là một sự đúc kết của nhiều bậc thức giả trên thế giới mà Lê Quý Đôn, bộ óc uyên bác thuộc làu kinh sử, thông suốt cổ kim đã đặc biệt lưu ý nhằm đưa ra lời khuyến cáo với hậu thế. Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, triều đại nào biết quý trọng trí thức, quy tụ và phát huy được sức mạnh trí tuệ trong tầng lớp tinh hoa của dân tộc, triều đại ấy hưng thịnh. Ngược lại là suy vong. Chuyện ấy rõ mồn một.

Chẳng phải chỉ Lê Quý Đôn, trước đó ba thế kỷ, trong văn bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) dựng tại “Văn Miếu” do Thân Nhân Trung biên soạn đã đưa ra một thông điệp thật thâm thúy: “… Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”. Thông điệp ấy được xem như một lời răn dạy nghiêm cẩn của ông cha ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước!

Vậy thì, hiện nay “nguyên khí” ấy “thịnh” hay “suy”? Câu hỏi ấy không dễ trả lời! Nhưng dù dễ hay khó trả lời thì sự thịnh suy của một triều đại tùy thuộc vào việc biết “vun trồng nguyên khí quốc gia” vẫn là quy luật muôn đời. Chỉ có điều, vận dụng quy luật ấy như thế nào thì tùy thuộc vào tầm nhìn và phẩm chất của những người gánh vác trọng trách cũng như việc xử lý mối quan hệ lợi ích trong các quyết sách.

Thì đó, việc công bố giáo dục là quốc sách hàng đầu đã được đưa ra rất sớm, song chất lượng thấp kém của hệ thống giáo dục nước ta so với khu vực và thế giới đang là một thực tế nhức nhối mà ai cũng thấy, và chính đây là lý do rất cơ bản về sự chậm phát triển của đất nước. Một nỗi đau không chỉ riêng ai về kết quả tuyển sinh ĐH và CĐ vừa công bố với hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử, ấy vậy mà lịch sử là một nhân tố mà thiếu nó thì ý thức dân tộc không thể đứng vững được. Hoặc một ví dụ khác: với lợi thế của khí hậu nhiệt đới gió mùa vốn nổi tiếng là hoa quả thu hoạch được quanh năm, song hiện nay trên thị trường của ta tràn lan hoa quả nhập khẩu từ nhiều nước. Vậy là nông sản với thương hiệu Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến trên thị trường thế giới. Nguyên nhân có nhiều, song về cơ bản, cần tìm về trong khuyến cáo của Lê Quý Đôn.

“Phi nông bất ổn”, quả đúng vậy, nhưng đời sống, cung cách làm ăn và năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp của ta hiện nay ra sao lại tùy thuộc vào mối quan hệ giữa nhà nông với nhà khoa học, phải chăng đây là minh chứng cho nguyên lý “phi trí bất hưng”? Vấn đề hàm lượng chất xám quá thấp trong quá trình canh tác, nuôi trồng để cho ra những sản phẩm nông nghiệp là một thực trạng đáng lo ngại. Cứ nhìn hàng tấn vải thiều vùng Lục Ngạn Bắc Giang phải đổ đi khi quá trình giao thương bị trục trặc bởi nhiều lý do cũng đủ thấy rõ điều này. Mà xuất khẩu sản phẩm thô với giá trị gia tăng thấp đâu chỉ ở nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ cũng nằm trong tình trạng ấy. Và nhìn chung trong nền kinh tế, nguồn lực huy động được trong nước và từ bên ngoài mấy năm qua rất cao, song hiệu quả kinh tế lại thấp kém với chỉ số ICOR (tỷ lệ nghịch với hiệu quả đầu tư) tăng nhanh, lên mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là cao nhất trong khu vực. Vậy là, “trí” mà cụ Lê Quý Đôn nói đến có liên hệ khăng khít với cả nông, công, thương! Một khi mà chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng giảm thì khó mà nói đến sự phát triển bền vững.

Thế mà theo thống kê của Bộ LĐ-TB và XH, năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đang làm việc, thì chỉ có 8,4 triệu người có chứng chỉ đã được đào tạo trong và ngoài nước. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11 trên 12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB trong khi Hàn Quốc là 6,91, Ấn Độ là 5,76, Malaysia là 4,91, Thái Lan là 4,94 (mặc dầu vậy, hiện nay hình như chưa có sản phẩm nông nghiệp nào của ta cạnh tranh được với Thái Lan). Có đến 44% các doanh nghiệp FDI phải tổ chức đào tạo lại cho người lao động được tuyển dụng, vì thế, hàng năm các doanh nghiệp FDI phải tiêu tốn khoảng 8% tổng chi phí kinh doanh.

Cội nguồn của chất lượng nguồn nhân lực thấp lại cần phải truy tìm sâu vào việc trọng dụng trí thức với sự thấu triệt nguyên lý “phi trí bất hưng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tự phê bình về chuyện này: “Nước nhà cần kiến thiết. Kiến thiết phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”*. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh là người cảm nhận thấu đáo nhất khuyến cáo của Lê Quý Đôn!

Nhưng rồi sao? Theo thống kê mới đây của Bộ GD và ĐT thì có tới 63% số cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp. Một chuyện thật mà cứ như đùa, sinh viên ra trường không có việc làm đã mang tấm bằng đại học của mình ra hiệu cầm đồ để lấy 1,5 triệu đồng! **. Dù sao thì câu chuyện “cười ra nước mắt” này cũng chỉ là một nét chấm phá trên toàn cảnh bức tranh. Sẽ thấu đáo hơn về điều này khi hiểu rằng, sinh viên với bản lĩnh, tri thức và nhân cách của mình chính là lực lượng hùng hậu bổ sung vào đội ngũ trí thức của đất nước.

Đương thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc lại luận điểm của Nguyễn Trãi “Nước ta là một nước văn hiến” để khẳng định lại cái chân lý bất biến: Điều đó có nghĩa là trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá”***.  Đây là một sự nhắc nhở: trọng trí thức là hằng số xuyên lịch sử. Mọi biến số khác đều lấy cái “bất biến” đó làm cái trục quy chiếu để đoán định về mọi giá trị của cuộc sống con người. Nắm chắc cái “bất biến” đó để ứng xử với bao nhiêu “vạn biến” khó lường của cuộc sống.

Nhắc lại những điều trên chỉ nhằm nối kết với cuộc sống hôm nay, để hiểu rằng, sự hưng vong của một triều đại, một chính thể tùy thuộc vào việc có chiêu tập, quy tụ được anh tài, hun đúc và gìn giữ “nguyên khí quốc gia”, nói cách khác đó là sự thăng hoa của “trí tuệ dân tộc” là điều mà bất cứ thể chế nào cũng phải thực hiện. Nói “trí tuệ của dân tộc”, trước hết là phải nói đến bộ phận tinh hoa của đất nước, những người biết hấp thu vào mình trí tuệ của thời đại, đồng thời cũng góp phần của dân tộc mình vào trí tuệ của thời đại...

Nói đến tinh hoa của dân tộc là nói đến những phẩm chất cơ bản, làm nên bản lĩnh, phẩm giá và danh dự của dân tộc, góp phần vào sức mạnh của dân tộc. Để cho bộ phận tinh hoa ấy bừng nở, phát huy được tài năng, đáp ứng ngày càng cao những đòi hỏi của sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước, phải biết học tập và làm theo tấm gương trọng dụng trí thức, biệt đãi hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Theo: doanhnhansaigon.vn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com