Những tấm gương vượt lên số phận

09:08, 11/08/2011

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến trang trại của anh thương binh 4/4 Nguyễn Văn Thang ở xã Xuân Đài (Xuân Trường). Trên khắp lối đi dẫn vào trang trại, những hàng si cảnh đang độ lớn, những cụm chuối ngự đang ra buồng, dàn đậu ván, rặng chè xanh tươi tốt phủ kín bờ ao... Dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Thang kể "Trước đây, khu vực này là những ô ruộng manh mún, chỗ cao, chỗ thấp, cấy lúa kém hiệu quả”. Thế mà từ bàn tay anh, hơn 5ha đất cằn ấy đã sinh lợi bạc tỷ… 

Anh Vũ Văn Sỹ, xóm 6, xã Nam Mỹ (Nam Trực) chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.
Anh Vũ Văn Sỹ, xóm 6, xã Nam Mỹ (Nam Trực)
chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.

Sau khi xuất ngũ với thương tật trên người, cuộc sống gia đình khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh đã vào tận Cà Mau để tìm hướng làm kinh tế, từ thợ đóng tàu tới phu hồ và dần dà anh đã thuê được 3ha đầm nuôi tôm. Sau gần chục năm xa quê, dù kinh tế đã có phần ổn định, nhưng với suy nghĩ phải về quê để không chỉ làm giàu cho mình mà biết đâu sẽ giúp được cho nhiều người xung quanh. Đầu năm 2000, anh Thang gom hết vốn liếng trở về quê và được xã Xuân Tân cho thầu toàn bộ 5ha bãi bồi ven đê để xây dựng trang trại nuôi thủy sản. Nhưng sau hàng năm miệt mài cải tạo đất, tạo dựng hệ thống dẫn thoát nước, nhưng do đặc điểm địa lý không thuận lợi, hiệu quả kinh tế thấp nên năm 2002 anh nhượng lại ao đầm ở Xuân Tân, về xóm 9 xã Xuân Đài đấu thầu 5,1ha khu đất cấy lúa kém hiệu quả để làm lại từ đầu. Với hệ thống thuỷ lợi hợp lý, anh đã đưa được nguồn nước sông Náng vào trang trại để nuôi tôm, cá. Từ kinh nghiệm nuôi thuỷ sản sẵn có và thường xuyên cập nhật thông tin từ các nguồn khác nhau, đến nay, 4 ao nuôi diện tích 3,2ha anh nuôi thả cá trắm đen, tôm càng xanh đều cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, anh thiết kế hệ thống chuồng trại nuôi lợn thịt, dãy chuồng nuôi nhím, bể nuôi ba ba cùng vườn trồng cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Do ứng dụng quy trình chăn nuôi khép kín, nên trang trại của anh luôn đảm bảo môi trường, cho ra những sản phẩm chất lượng được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Doanh thu trung bình của trang trại đạt trên 600 triệu đồng/năm. Sắp tới, anh sẽ đầu tư thêm gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái ngoại theo mô hình an toàn sinh học với khoảng 70 đầu lợn, tiếp tục gây dựng đàn lợn rừng; phát triển đàn nhím sinh sản... Vượt lên thương tật để làm giàu cho bản thân, anh Nguyễn Văn Thang còn giúp cho hàng chục hộ gia đình khác làm theo như gia đình các anh Nguyễn Văn Kinh, Phạm Văn Kiêm (xã Xuân Đài), Nguyễn Văn Từ, Nguyễn Xuân Biến (xã Xuân Tân)... giờ cũng đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Vũ Văn Sỹ ở xóm 6, xã Nam Mỹ (Nam Trực) khi anh vừa tất bật từ ngoài đồng trở về để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Ngồi trên chiếc xe lăn, anh đon đả mời khách vào nhà. Nhớ lại thời gian khó mới qua, đôi mắt anh rơm rớm nước: “Có những lúc, tôi tưởng mình không còn sống được nữa bởi bệnh tật hành hạ và nỗi đau tinh thần quá lớn”. Từng là học sinh khá, giỏi, nhiều năm liền được tín nhiệm làm lớp trưởng, nhưng số phận đã trêu ngươi, đúng lúc anh đang chuẩn bị tốt nghiệp THPT với bao ước mơ hoài bão thì anh mắc căn bệnh thoái hóa cột sống khiến các cơ co rút, không thể đứng lên được, phải nằm liệt giường. Sau đó anh tập đi, rồi tập làm những công việc vặt. Rồi duyên trời cũng sắp đặt cho anh gặp được cô gái làng bên mồ côi cả cha lẫn mẹ, hay lam hay làm. Hai số phận dựa vào nhau để xây dựng cuộc sống mới. Hàng ngày, dù ruộng lúa cách nhà hơn 2km, nhưng anh vẫn miệt mài cùng chiếc xe lăn, lúc chạy ra tát nước, be bờ cùng vợ, lúc lại vội vã về nấu cơm, chăm con lợn con gà. Nhiều lúc về đến nhà, anh ngã vật ra sân vì mệt nhưng mỗi khi nghĩ đến tương lai, với đàn con thơ tíu tít, anh lại vượt lên. Nghĩ rằng, nếu không quyết tâm bứt phá để thay đổi cuộc sống thì không chỉ bản thân mà các con anh cũng sớm đi vào ngõ cụt. Lúc này, ở địa phương mới bắt đầu có nghề trồng cây đào Nhật Tân, anh bàn với vợ bán đi 2 thùng lúa cuối cùng trong nhà để mua được 6 mầm đào về ươm trồng thử nghiệm. Với sự chịu thương, chịu khó cùng chiếc xe lăn đi học hỏi kinh nghiệm khắp xóm trên, làng dưới, cuối cùng, cả 6 mầm đào anh ươm đã ra nụ, ra hoa đúng vào dịp tết, đem theo niềm hy vọng của cả gia đình ra chợ xuân năm ấy. Kinh tế dần dần phát triển để anh tiếp tục nuôi mơ ước cả 3 đứa con đều được học hành, thoát khỏi cái nghèo. Không chỉ trồng đào, hiện nay gia đình anh đã trồng được cả quất, cây sanh, cây si và nuôi lợn nái, lợn thịt, gà, ngỗng với thu nhập hàng năm khoảng 100 triệu đồng. Các con anh, cô con gái lớn tuy bị khiếm thị vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Vinatex đã có việc làm; cậu con trai thứ đang học Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, còn cô út vừa học nghề, vừa học văn hóa tại Trường Cao đẳng nghề Vinatex. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, bố anh lại ốm liệt giường và bản thân anh sức khỏe cũng ngày càng giảm sút, nhưng anh vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Hằng ngày, anh vẫn không ngơi nghỉ làm việc để lo cho gia đình, lo cho các con có nghề nghiệp ổn định để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong cuộc sống còn có rất nhiều tấm gương vượt khó vươn lên. Họ có thể là người khuyết tật, thương binh hay những người có hoàn cảnh éo le, không may mắn, nhưng với nghị lực sống, ý chí và sự quyết tâm để thay đổi số phận bằng chính sức khỏe và bàn tay, khối óc của mình, họ không chỉ xây dựng được cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn cho gia đình mình mà còn góp phần làm đẹp cho xã hội./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com