Nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn trong khi nguồn thu từ nông nghiệp hạn hẹp, nhiều người tranh thủ thời gian nông nhàn ra Thành phố Nam Định tìm việc làm thêm. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, cuộc sống mưu sinh nơi đô thị nhọc nhằn, vất vả, thậm chí có cả rủi ro, bất trắc!
Vào thời điểm này, tại các điểm tập trung lao động tự do trên địa bàn Thành phố Nam Định như ngã tư đường Trường Chinh - Phù Nghĩa, trên đường Trần Nhân Tông, khu chợ đêm đường Phạm Ngũ Lão…, rất đông người lao động ngồi chờ việc. Nguyên do là tháng 7 âm lịch, theo quan niệm “tháng vàng mã” ít gia đình khởi công, làm việc lớn cần đến đội ngũ lao động chân tay. Không có việc làm, hết ngồi tán chuyện, họ lại chơi tú lơ khơ. Trong đội lao động tự do ngồi ở ngã tư Phù Nghĩa - Trường Chinh, anh Đỗ Văn Hạnh, 50 tuổi ở xã Đại Thắng (Vụ Bản) không giấu nổi nét lo âu trên khuôn mặt gầy guộc, sạm nắng gió. Cuộc sống gia đình anh 4 người chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng, anh Hạnh lên thành phố tìm việc làm kiếm thêm thu nhập, trải qua đủ nghề từ bốc vác vật liệu xây dựng, móc cống, phá tường…, miễn là có tiền. Năm 2007, không còn đủ sức khỏe để làm những việc nặng nhọc, anh chị bàn nhau mua chiếc xích lô trị giá 2 triệu đồng để chở hàng hóa, vật liệu xây dựng… Ngày nào cũng vậy, anh đến đường Phù Nghĩa lấy xích lô rồi ngồi ngoài đường chờ người thuê. Ngày nào có nhiều việc cũng được 80-100 nghìn đồng, ngày ít việc thì 40-50 nghìn đồng. Mỗi trưa, anh ăn suất cơm bụi 10-15 nghìn đồng. Năm nay, đứa con đầu Đỗ Anh Giáp học lớp 12, con gái Đỗ Thị Ngọc vào lớp 10 khiến nhu cầu chi tiêu của gia đình tăng lên. Nhưng 6 ngày nay, anh ngồi chơi cả ngày vì không có ai thuê. Vì vậy, để có 1,1 triệu đồng đóng tiền học và mua đồng phục cho cô con gái chuyển cấp, anh chị phải vay hàng xóm. Cũng chở xích lô, anh Phạm Văn Bẩy, 44 tuổi ở thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư (Thái Bình) có 2 con đang tuổi ăn học, hằng ngày anh đi 6km sang Thành phố Nam Định để kiếm kế mưu sinh. Cùng đi với anh Bẩy còn có 4 người là họ hàng, làng xóm, lập thành một tổ, có việc làm thì phân đều cho nhau. Họ nhận làm mọi việc, từ dọn nhà cửa, tháo dỡ nhà, bốc vác… đến việc móc cống, dọn hố ga. Có những buổi tối về bụi bám đầy mặt mũi tưởng chừng không thở nổi, lưng đau vì vác nặng. Hằng ngày, trừ tiền xăng xe, cơm nước mỗi người còn khoảng 100 nghìn đồng mang về.
Cũng ra mưu sinh nơi thành phố, chị Nguyễn Thị Hoa, 42 tuổi ở thôn Đồng Phù, xã Nam Mỹ (Nam Trực) làm công việc thu mua đồng nát gần chục năm nay. Với chiếc xe đạp cũ kỹ, chị len lỏi khắp các con đường, ngõ phố. Chị Hoa cho biết, từ khi xã Nam Mỹ có khoảng chục đại lý kinh doanh phế liệu dọc Quốc lộ 21, nhiều phụ nữ trong xã có hoàn cảnh khó khăn đã lên thành phố để thu mua đồng nát về bán lại kiếm lời. Công việc vất vả, cực nhọc, trung bình mỗi ngày chị phải đạp xe 20-30km. Chỉ trừ những ngày mưa to, gió bão, những ngày gặt, cấy, còn lại chị đều đi làm. Hôm nào may mắn mua được nhiều hàng cũng được 40-50 nghìn đồng, nhưng có những hôm đi cả ngày không mua được gì.
Trên địa bàn Thành phố Nam Định hằng ngày có hàng nghìn người từ quê ra mưu sinh. Tùy vào khả năng mỗi người chọn những công việc phù hợp: từ thợ xây, phụ hồ, đồng nát, bán hàng rong, đánh giày hay tham gia vào chợ “lao động”… Đội lao động tự do với đủ mọi lứa tuổi, trong đó chủ yếu là những người quá tuổi tuyển dụng của các doanh nghiệp và phần lớn chưa có nghề trong tay, nhà cách thành phố khoảng 10km nên tiện đi về trong ngày tiết kiệm chi phí ăn, ở. Mưu sinh trên thành phố, hầu hết trong số họ đều chăm chỉ làm việc, hy vọng kiếm tiền để nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa hay đơn giản là chi tiêu cho cuộc sống. Nhiều người đứng ra thành lập các tổ, đội để nhận các công việc khá hơn. Tuy nhiên, công việc nhiều khi độc hại, nặng nhọc nhưng họ không có bất kỳ vật dụng bảo hộ lao động nào. Nếu xảy ra tai nạn gãy tay, gãy chân, sút lưng, thậm chí là tử vong thì “chế độ” sau đó phụ thuộc lòng tốt của người thuê lao động. Mới đây, tại kho hàng trên đường Phạm Ngũ Lão, một người lao động tự do từ Thái Bình sang được thuê bốc hàng đã đột tử trong khi đang làm việc. Sau khi xảy ra vụ việc, người thuê lao động đã thuê xe đưa nạn nhân về quê nhà. Nhiều lao động nam giới lên thành phố làm việc không thắng được sự cám dỗ của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, trộm cắp… nên không giúp gì được cho gia đình. Nhiều người trong đội lao động trên đường Trần Nhân Tông còn nhớ câu chuyện của anh T ở xã Thành Lợi (Vụ Bản) trong khi ra thành phố lao động vì mê đề đóm, nợ nần đã về nhà lấy sổ đỏ của gia đình đem cầm đồ, “đẩy” vợ con ra đường…
Khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thời gian nông nhàn nhiều, trình độ, độ tuổi không còn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở các KCN, CCN thì mưu sinh nơi đô thị bằng mọi công việc vẫn là “cứu cánh” của không ít người lao động tại các vùng quê quanh Thành phố Nam Định. Nhọc nhằn, lam lũ, đầy rủi ro, bất trắc, nhưng không có sự lựa chọn nào khác, ít nhất là ở thời điểm hiện tại./.
Đức Thiện