Chúng ta đã từng biết đến những thanh niên tình nguyện giúp đỡ các gia đình chính sách, các trẻ em vùng sâu vùng xa biết con chữ; những cán bộ tổ dân phố làm trăm thứ việc không tên… Nhiều người cho rằng họ là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, công việc của họ nhiều khi mang nặng tính tự phát. Nhưng đối với nhiều nước trên thế giới, đó chính là công việc của những nhân viên công tác xã hội, mà trong vài năm gần đây đã bắt đầu phát triển ở Việt Nam và mới đây được Nhà nước thừa nhận là một nghề. Một nghề mới mẻ, cần nhiều kỹ năng và cần tấm lòng nhân ái - nghề công tác xã hội.
Theo Hiệp hội Nhân viên công tác xã hội thế giới thì nghề công tác xã hội có vai trò thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ tương tác, tăng năng lực và tạo khả năng giải phóng con người nhằm thúc đẩy an sinh xã hội. Nghề này sử dụng các học thuyết về hành vi con người trong môi trường xã hội, can thiệp vào những điểm khi con người tương tác với các môi trường của mình. Nhân quyền và công bằng xã hội là những nguyên tắc nền tảng của nghề công tác xã hội.
Nghề công tác xã hội, một nghề mới mẻ, cần nhiều kỹ năng và tấm lòng nhân ái. |
Đối với các nước phát triển, gần trăm năm nay, những vấn đề xã hội như trên đều đã được ngành công tác xã hội đảm nhiệm. Sự có mặt của Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế khởi sự từ năm 1926 với hàng chục ngàn thành viên là cán bộ xã hội được đào tạo chuyên nghiệp của 78 nước trên thế giới và Hiệp hội Các trường đào tạo công tác xã hội thế giới với sự tham gia của 80 quốc gia là một minh chứng cho lịch sử lâu đời của loại hình nghề nghiệp này. Tại nhiều nước, các dịch vụ xã hội đã trở nên chuyên nghiệp hóa nhờ có sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ xã hội được đào tạo ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chất lượng của các chính sách, chương trình hay dịch vụ an sinh xã hội ở đây được phản ánh bởi tính phòng ngừa cao đối với các vấn đề xã hội.
Đối với Việt Nam, những năm gần đây, nghề công tác xã hội đã được hình thành và ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, chính thức công nhận công tác xã hội là một nghề. Mục tiêu là nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Thực tế cho thấy, hiện nay nghề công tác xã hội ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, đa phần nhân viên làm công tác xã hội chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên này phát triển có tính tự phát chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã đôi khi là những người dân tự nguyện nên họ làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về công tác xã hội. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững. Hiện nay cả nước có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân công tác xã hội, đang đào tạo khoảng 2.000 sinh viên hệ cử nhân công tác xã hội. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề công tác xã hội còn nhiều bất cập như: chương trình nặng về lý thuyết, thiếu đội ngũ giảng viên thực hành chuyên nghiệp, thiếu cơ sở thực hành chuyên nghiệp… Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của công tác xã hội ở nước ta với các nước phát triển và ngay cả những nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá lớn.
Thực chất của nghề công tác xã hội là cung cấp dịch vụ cho người dân, nhân viên xã hội là người phục vụ chứ không phải là người chủ. Đối tượng được chăm sóc, phục vụ đều là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở… Chính vì vậy, nhân viên công tác xã hội cần phải được đào tạo nhiều kỹ năng. Ví dụ, trường hợp một người có tổn thương tâm lý và có ý định tự tử, nhân viên xã hội cần tìm hiểu nguyên nhân và mức độ tổn thương của người đó và giúp đỡ họ vượt qua khủng hoảng bằng cách tham vấn hoặc trị liệu tâm lý để người đó ổn định lại và không có hành vi làm tổn hại đến bản thân nữa. Điều này cần cán bộ làm công tác xã hội phải có kiến thức và cả kỹ năng mềm. Mặt khác, do đối tượng được chăm sóc, phục vụ là những đối tượng đặc biệt nên cũng rất cần các nhân viên làm công tác xã hội có đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ, đối tượng bị khủng hoảng tâm lý hoặc không có khả năng tự vệ, nếu như nhân viên chăm sóc không có đạo đức nghề nghiệp thì người được chăm sóc lại có thể bị xâm hại.
Một xã hội phát triển bền vững là một xã hội tạo được sự cân đối giữa phát triển kinh tế và vấn đề an sinh xã hội. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, đã đến lúc chúng ta đẩy mạnh phát triển công tác xã hội như một nghề chuyên nghiệp. Và việc lựa chọn nghề công tác xã hội chính là lựa chọn nghề của lòng nhân ái./.
Theo: baovanhoa.vn