Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh

11:08, 19/08/2011

Những năm gần đây, giáo dục văn hoá giao thông cho học sinh được ngành GD và ĐT quan tâm. Giờ học về Luật Giao thông đường bộ được bố trí trong hầu hết chương trình ngoại khoá ở các cấp học. Nhiều cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ cũng được ngành GD và ĐT phối hợp với các ngành chức năng, một số tổ chức xã hội và các đơn vị tài trợ tổ chức hằng năm đã góp phần thúc đẩy học sinh tìm hiểu và chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông...

 Tuy nhiên trong thực tế, tình trạng học sinh tham gia giao thông không thực hiện nghiêm túc các quy định trong Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra. Đường Nguyễn Du, phường Vỵ Hoàng (TP Nam Định) nơi có Trường THCS Trần Đăng Ninh và Trường THPT Nguyễn Khuyến vào giờ tan học buổi chiều thường xuyên bị tắc đường. Cổng trường đông nghẹt phụ huynh, người nhà chờ đón con em tan lớp. Những học sinh được người nhà tới đón tung tăng xách cặp chạy ào qua đường, bất chấp các phương tiện giao thông đang lưu thông qua lại trên đường, rất dễ xảy ra tai nạn nguy hiểm. Nhiều em tràn xuống lòng đường, vây quanh những gánh hàng rong, xe đẩy, tíu tít chuyện trò, mua đồ ăn vặt. Từng tốp học sinh đạp xe dàn hàng ngang, choán cả con phố vốn đã chật hẹp, khó khăn cho người cùng tham gia giao thông. Dạo qua một loạt cổng  trường  trong nội thành như Trường THPT Nguyễn Khuyến, Nguyễn Huệ, Ngô Quyền; THCS Quang Trung, Lương Thế Vinh… có thể dễ dàng nhận thấy ý thức chấp hành Luật Giao thông của học sinh còn yếu. Cảnh tượng dàn hàng ngang trên đường, vừa đi xe, vừa nô đùa, bá vai bá cổ nhau là những hình ảnh thường thấy tại các cổng trường hoặc trên đường phố vào giờ tan học. Tại các nút giao thông, trong khi mọi người dừng lại trước đèn đỏ thì không ít em mặc đồng phục học sinh vẫn phóng xe qua. Không phải là các em không biết luật mà một bộ phận không nhỏ các em thiếu ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.

Nhiều học sinh chưa chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật khi tham gia giao thông.
Nhiều học sinh chưa chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật khi tham gia giao thông.

Để tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trong học sinh, sinh viên (HSSV) ngoài việc quan tâm đầu tư kinh phí, đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT vào các giờ giảng dạy chính khoá, ngoại khoá, ngành GD và ĐT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình và các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục, quản lý và có biện pháp xử lý các HSSV vi phạm. Ngành GD và ĐT cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong cán bộ, giáo viên, HSSV; tổ chức cho cán bộ, giáo viên và HSSV ký và thực hiện cam kết không vi phạm trật tự ATGT; duy trì mô hình “Cổng trường ATGT”; phối hợp với phụ huynh học sinh và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, ngăn chặn tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT trong khối trường học dưới hình thức sân khấu hóa. Các trường học cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh cần thường xuyên đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”; tổ chức tập huấn Luật Giao thông đường bộ cho đội ngũ cán bộ Đoàn cấp cơ sở; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, hội thi về văn hóa giao thông; vận động đoàn viên, thanh niên đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; phát huy vai trò tích cực của đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ, thanh niên tình nguyện tham gia gìn giữ trật tự ATGT. Mỗi bậc phụ huynh cần gương mẫu thực hiện và giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho con em, trước hết là chấp hành nghiêm các quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; phối hợp với nhà trường, tổ dân phố và lực lượng chức năng kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trật tự ATGT của con em để có biện pháp giáo dục. Các lực lượng chức năng cần xử lý kiên quyết các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kịp thời gửi thông báo đến nhà trường, gia đình, tổ dân phố để có biện pháp xử lý, giáo dục kịp thời. Mỗi cá nhân khi tham gia giao thông, phát hiện thấy hành vi vi phạm trật tự ATGT của HSSV cần kịp thời nhắc nhở, phê bình.

Việc giáo dục pháp luật về ATGT cho thanh, thiếu nhi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” sẽ là biện pháp quan trọng góp phần xây dựng văn hóa giao thông trở thành nền nếp trong giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung./.

Bài và ảnh: Ngân Huyền



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com