Những năm qua, hoạt động truyền thông - giáo dục sức khoẻ (GDSK) ở tỉnh ta đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chiến lược chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Để nâng cao chất lượng công tác truyền thông - GDSK, Sở Y tế đã tập trung xây dựng, củng cố mạng lưới truyền thông - GDSK từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, các đơn vị y tế tuyến tỉnh và các huyện, thành phố đều có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm; các trạm y tế xã, phường, thị trấn có cán bộ kiêm nhiệm công tác truyền thông - GDSK; 100% nhân viên y tế thôn là cộng tác viên (CTV) truyền thông - GDSK. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và CTV đều được Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh tập huấn kỹ năng truyền thông - GDSK. Định kỳ hàng quý, Trung tâm tổ chức giao ban với cán bộ chuyên trách công tác truyền thông - GDSK; thông qua chỉ đạo tuyến giúp Trung tâm nắm được các nhu cầu của cộng đồng để có kế hoạch tuyên truyền phù hợp. Trung tâm phối hợp với mạng lưới truyền thông tuyến huyện, xã triển khai các chiến dịch truyền thông theo chuyên đề, kịp thời cung cấp các thông tin về bệnh dịch, các chính sách của Nhà nước về công tác y tế.
Cán bộ Trung tâm Truyền thông - GDSK (Sở Y tế) biên soạn tài liệu truyền thông cho cơ sở. |
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, hàng năm Sở Y tế đều tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông - GDSK cho cán bộ chuyên trách, các CTV truyền thông - GDSK cơ sở. Đến nay, toàn ngành đã tổ chức được 19 lớp tập huấn tuyến tỉnh và huyện cho 195 bác sỹ và 450 điều dưỡng kỹ thuật viên; 60 lớp tuyến xã, phường và thôn với tổng số 2.430 học viên. Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh đã triển khai 4 đề tài: “Nghiên cứu đánh giá kết quả khảo sát kiến thức cộng đồng tại 10 xã điểm về công tác truyền thông - GDSK”, “Nghiên cứu thực trạng kỹ năng thực hành của CTV truyền thông - GDSK cơ sở”, “Nghiên cứu đánh giá vai trò các thành phần xã hội ảnh hưởng tới chất lượng công tác truyền thông - GDSK ở cộng đồng”, “Nghiên cứu đánh giá thực trạng năng lực của nhân viên y tế thôn tỉnh Nam Định năm 2011”, đồng thời cung cấp các kỹ năng cơ bản về quản lý thực hành truyền thông theo chỉ đạo của Sở Y tế; tổ chức biên soạn, in ấn các tài liệu truyền thông về y tế… cấp phát cho cơ sở. Ngoài ra, hoạt động truyền thông - GDSK còn được mở rộng dưới hình thức tọa đàm trực tiếp, tọa đàm gián tiếp... Công tác truyền thông - GDSK luôn gắn với tình hình dịch tễ học từng mùa, từng địa phương và các vấn đề đang được ngành Y tế và xã hội quan tâm như: Luật BHYT; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; các biện pháp chống quá tải bệnh viện; phòng, chống các dịch bệnh cúm A (H5N1), tiêu chảy cấp, cúm A (H1N1), vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, công tác kế hoạch hóa gia đình giảm tỷ lệ tăng dân số… Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã triển khai tư vấn sức khỏe qua điện thoại và trực tiếp tại Phòng Thông tin - GDSK của Trung tâm...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông - GDSK, cần tăng cường vai trò chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác truyền thông - GDSK của cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể thông qua công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình truyền thông - GDSK và thu hút có hiệu quả sự tham gia của cộng đồng. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân về truyền thông - GDSK ngày càng tăng; việc phát triển và ứng dụng các phương pháp tiếp cận mới, các kỹ thuật mới sẽ giúp cho truyền thông - GDSK phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Những người làm công tác truyền thông - GDSK cần năng động sáng tạo hơn nữa trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông - GDSK, góp phần phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.