Cùng cán bộ Phòng LĐ-TB và XH huyện Mỹ Lộc đến nhà chị Đặng Thị Nhích ở xóm 6, xã Mỹ Hưng, chúng tôi được biết, gia đình chị có 4 người thì 3 người là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. Sau giải phóng miền Nam, chồng chị nhập ngũ, đóng quân ở sân bay Đà Nẵng là khu vực “đặc biệt nguy hiểm” về mức độ ô nhiễm chất độc đi-ô-xin. Trở về địa phương, anh không hề biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Ba lần sinh con thì chỉ được cậu con trai thứ hai may mắn lành lặn; cô con gái lớn Đặng Thị Thúy bị què quặt, chỉ làm được một số việc cá nhân, cậu con út Đặng Văn Chiến năm nay 17 tuổi nhưng chỉ nặng chừng 10kg, chân tay dài nghêu nhưng chỉ có da bọc xương, lại vắt vào nhau khiến em không thể cử động được, cả ngày chỉ có một tư thế nửa nằm nửa ngồi. Chị Nhích kể, phục vụ cô chị còn đỡ, chứ cậu em này 17 năm nay không sao kể hết những gian nan. Hơn một năm nay Chiến không ăn được cơm, chỉ uống nước và ăn lặt vặt bánh, kẹo, bim bim… Chồng chị đã mất vì bệnh ung thư. Do anh nhập ngũ sau giải phóng, hiện nay các quy định của Nhà nước chưa đưa vào diện để xét chế độ trợ cấp đối với nạn nhân chất độc da cam nên xã chỉ có thể lập hồ sơ cho các cháu hưởng chế độ bảo trợ xã hội (BTXH) ở mức cao nhất, mỗi tháng trợ cấp hơn 1 triệu đồng cho ba mẹ con chị. Từ khoản trợ cấp và với sự quan tâm giúp đỡ của địa phương và bà con làng xóm, chị cũng vượt qua khó khăn...
Cán bộ Phòng LĐ-TB và XH huyện Mỹ Lộc đang kiểm tra, rà soát hồ sơ các đối tượng xã hội trên địa bàn xã Mỹ Hưng. |
Xã Mỹ Hưng có trên 400 đối tượng hưởng BTXH. Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo làm tốt việc rà soát, lập hồ sơ đúng, đủ các đối tượng thuộc diện được hưởng, thực hiện chi trả kịp thời hằng tháng đến tận tay đối tượng và gia đình. Xã chỉ đạo các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tranh thủ các dự án tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay, việc làm cho các đối tượng còn khả năng lao động như phụ nữ đơn thân, người khuyết tật… Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác BTXH, việc lập hồ sơ đối tượng phải bảo đảm chính xác. Những trường hợp đối tượng bị bệnh tâm thần, người già bị lẫn phải điều chỉnh hồ sơ nhiều lần, trong khi trước đây cán bộ làm công tác BTXH chưa được hưởng phụ cấp... Mới đây sau nhiều lần đề xuất, ngành đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh duyệt chi trả trợ cấp cho cán bộ cơ sở trong khi làm hồ sơ theo quy định của Chính phủ. Huyện Mỹ Lộc hiện có 2.244 đối tượng hưởng BTXH các diện người tàn tật, người già, phụ nữ đơn thân… Để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng, giúp các gia đình có đối tượng này giảm bớt khó khăn, động viên họ vượt lên mặc cảm, trong công tác lập hồ sơ, quản lý, chi trả, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã chỉ đạo cán bộ TB-XH các xã, thị trấn nắm chắc chế độ chính sách, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, giúp đỡ các gia đình đối tượng nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ, đồng thời tham mưu với huyện chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo như: phát triển các mô hình kinh tế đa dạng, phù hợp với nhiều điều kiện của các gia đình, khuyến khích phát triển ngành nghề, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế hộ, nhất là đối với phụ nữ, kêu gọi, tìm kiếm các chương trình nhân đạo, xã hội từ thiện để hỗ trợ các đối tượng về phương tiện, dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng. Việc thăm hỏi, tặng quà các đối tượng BTXH nhân dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm được quan tâm, ưu tiên giúp họ bớt mặc cảm về thân phận, tự tin hòa nhập xã hội, khắc phục khó khăn của bản thân và gia đình. Những năm qua huyện Mỹ Lộc không để xảy ra khiếu nại về việc thực hiện chế độ chính sách BTXH trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Vân Anh