Hiện nay, nhiều gia đình đã sắm điện thoại di động cho con em đang là học sinh để tiện liên lạc hoặc các em tự mua từ những khoản tích góp... Em Trần Văn Tài, học sinh một trường THPT trên địa bàn Thành phố Nam Định cho biết: “Chỉ trừ mấy bạn ở quê lên học, còn trong lớp em ai cũng có điện thoại di động. Đa số các bạn được bố mẹ sắm cho, nhưng cũng có bạn nhịn tiền ăn sáng, khai khống tiền học thêm để mua điện thoại. Do nhà trường quy định không được sử dụng điện thoại di động trong lớp học nên chỉ khi ra khỏi cổng trường các bạn mới bật máy”. Nhiều em đang là học sinh cuối cấp I trong cặp sách cũng có chiếc “alô” để tiện cho cha mẹ đưa đón. Trên thực tế, điện thoại di động rất hữu ích đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái, đồng thời đáp ứng nhu cầu trao đổi bài vở của học sinh và với thầy cô giáo… Tuy nhiên, mặt trái của việc học sinh sử dụng điện thoại là các em mải mê chơi game trên điện thoại, dùng điện thoại để trêu đùa, hẹn hò, yêu đương… mà xao nhãng việc học hành. Chị Hoa, đường Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định) có con trai học lớp 9, từ một học sinh tiên tiến xuất sắc, đến cuối năm, nhiều môn thi dưới điểm trung bình, phải thi lại 3 môn. Chị cho biết, anh chị quản lý con khá chặt, đưa đón con đi học nhưng do lịch học thêm thường xuyên thay đổi, nhiều lần đón con mà không gặp, anh chị mua cho con cái điện thoại cũ. Việc đưa đón cháu từ đấy cũng đúng giờ giấc và đỡ vất vả hơn. Nhưng chỉ được 2 tuần, điện thoại hỏng, anh chị mua điện thoại khác chỉ có chức năng nghe, gọi nhưng cũng chỉ dùng được 1 tháng lại hỏng. Anh chị mua cho con điện thoại trị giá trên 1 triệu đồng, có đủ chức năng nghe nhạc, xem phim, chụp ảnh… Đến khi nhận được giấy báo kết quả học tập của nhà trường, anh chị mới biết, đó là “mưu kế” của cậu con trai vì muốn có điện thoại sành điệu, khoe với các bạn cùng lớp. Có điện thoại, con chị suốt ngày nhắn tin, chát chít trêu chọc bạn bè cùng lớp… dẫn đến kết quả học tập kém. Không ít trường hợp học sinh vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại gây mất ATGT, thậm chí dùng điện thoại để hẹn hò tụ tập đánh nhau...
Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh đã cấm học sinh mang điện thoại tới lớp, nếu bị phát hiện đang sử dụng sẽ thu hồi, thông báo tới cha mẹ học sinh. Bộ GD và ĐT đã ban hành Thông tư số 12, ngày 28-3-2011, có hiệu lực từ ngày 15-5-2011, trong đó có quy định cấm học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học. Để hạn chế những mặt tồn tại, bất cập từ việc sử dụng điện thoại di động, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Các bậc phụ huynh chỉ nên cho con sử dụng điện thoại di động nếu thấy thực sự cần thiết. Nhiều gia đình có điều kiện trang bị cho con điện thoại hiện đại nhiều chức năng, nhưng đôi khi chính từ những chiếc điện thoại đó, vô tình lại làm nảy sinh sự “phân hóa” đối với các bạn cùng trang lứa, thậm chí còn ảnh hưởng tới sự an toàn của các em. Cùng với việc quản lý chặt chẽ cước điện thoại di động, các bậc phụ huynh cần công khai kiểm tra điện thoại của con; không cài đặt các trò chơi điện tử, phim ảnh… Có như vậy mới hạn chế được những mặt trái của việc sử dụng điện thoại di động./.
Đức Thiện