Hoạt động của Trung tâm chữa bệnh - giáo dục, lao động xã hội Xuân Trường

08:08, 17/08/2011

Đồng chí Nguyễn Đức Tú, Giám đốc Trung tâm chữa bệnh - giáo dục, lao động xã hội (GDLĐXH) của tỉnh tại Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) cho biết: "Lao động là một nội dung trong quy trình điều trị giúp các học viên rèn luyện sức khỏe. Qua đó, nhiều học viên đã phát huy năng khiếu bẩm sinh, tích cực lao động dần “quên” đi thực trạng của mình, yên tâm thực hiện các quy trình chữa trị và phục hồi sức khỏe".

Ngay sau khi thành lập (2007), toàn bộ cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ của Trung tâm được đi học tập kinh nghiệm, tập huấn kỹ năng tại các Trung tâm tỉnh ngoài về xử lý tình huống cụ thể khi học viên lên cơn, có hành vi tiêu cực do tư tưởng. Để bảo đảm hiệu quả điều trị, khi tiếp nhận, việc lập hồ sơ quản lý học viên được làm chặt chẽ, đầy đủ, đúng quy trình. Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận và điều trị cai nghiện cho trên dưới 200 đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện. Đối tượng mới được tiếp nhận được khám sức khỏe, phát hiện các trường hợp nhiễm HIV để có biện pháp điều trị, quản lý phù hợp. Việc sắp xếp nơi ăn ở, học tập, sinh hoạt tập thể được bố trí hợp lý, ngăn nắp, tổ chức các buồng, dãy phù hợp với bệnh lý của học viên; thời gian biểu sinh hoạt hằng ngày được quản lý chặt chẽ, khoa học. Trung tâm đào ao nuôi cá, tổ chức nuôi lợn, gia cầm, trồng rau xanh, tạo việc làm cho học viên. Hoạt động này không chỉ tránh thời gian rỗi, phân tán tư tưởng, hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị cai nghiện mà còn đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm, rau xanh trong sinh hoạt hằng ngày của học viên, đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện mức trợ cấp theo quy định của Nhà nước hiện còn thấp (360 nghìn đồng/người/tháng) trong khi giá thực phẩm trên thị trường biến động tăng cao. Nhờ nguồn thực phẩm tăng gia, mỗi tháng Trung tâm tổ chức 1-2 lần ăn tươi, cải thiện sinh hoạt và động viên học viên. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 2 xưởng làm mi giả và bóc tách hạt điều cho học viên làm. Các công việc này tuy thu nhập thấp nhưng là biện pháp hỗ trợ hiệu quả quá trình trị liệu thông qua lao động, giúp học viên tập trung làm việc, tránh phân tán tư tưởng, rèn luyện tính kiên nhẫn, hạn chế những tiêu cực do nhàn rỗi... Các đối tượng nghiện ma tuý vào Trung tâm đều được đội ngũ y, bác sỹ có kinh nghiệm điều trị cắt cơn nhanh chóng, sức khoẻ được cải thiện rõ rệt. Cán bộ Trung tâm luôn gần gũi, hướng dẫn học viên trong sinh hoạt và lao động hằng ngày, duy trì chặt chẽ kỷ cương, bảo đảm nghiêm ngặt trong phòng chống thẩm lậu ma túy và các chất kích thích khác như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào... Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã xây dựng và giữ gìn được môi trường trong sạch, lành mạnh cho người nghiện ma túy yên tâm chữa bệnh, phục hồi sức khỏe. Hầu hết các học viên sau thời gian điều trị cai nghiện đều nhận thức rõ về tác hại của ma túy, cắt được cơn nghiện. Tuy nhiên, do mới thành lập, cơ sở vật chất  của Trung tâm còn hạn chế nên mới thực hiện được 3/5 quy trình cai nghiện, chưa thực hiện được khâu dạy nghề, tổ chức lao động sau cai bảo đảm duy trì kết quả cai nghiện, phục hồi sức khỏe bền vững. Hiện tại, Trung tâm đang được đầu tư tăng cường cơ sở vật chất để nâng quy mô, tăng số lượng đối tượng người nghiện được điều trị, thực hiện đầy đủ các quy trình cai nghiện phù hợp, hiệu quả./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com