Hai năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Nhận diện khó khăn

04:08, 04/08/2011

Cuộc vận động mặc dù đã từng bước đi sâu vào cuộc sống song cũng còn nhiều khó khăn phải tháo gỡ. Các giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động vẫn còn mang tính chung chung, tiến hành theo "thời vụ”. Do vậy, để cuộc vận động đạt hiệu quả tốt nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Nhà nước, các đơn vị, tổ chức đoàn thể, người tiêu dùng và đặc biệt là doanh nghiệp.

Đã 2 năm kể từ ngày phát động cuộc vận động, theo đó, nhiều hiệu ứng tốt đã được hình thành. Các doanh nghiệp đã tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã, đặt khách hàng là trung tâm, coi thị trường nội địa là mục tiêu cần chiếm lĩnh và khẳng định. Tại một số siêu thị, tỷ lệ hàng Việt đã chiếm đến 95% lượng hàng hóa.

Mặc dù đã từng bước bám rễ sâu, hình thành nếp văn hóa tiêu dùng mới song theo ghi nhận từ thực tế vẫn còn nhiều khó khăn đối với cuộc vận động. Hàng giả hàng nhái vẫn chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường. Theo đánh giá, nhiều bộ, ban, ngành chưa chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động năm 2011, các giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động vẫn còn mang tính chung chung, tiến hành theo tính "thời vụ”. Từ sau dịp Tết Tân Mão đến nay, cuộc vận động có chiều hướng lắng xuống.

v
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để cuộc vận động đạt hiệu quả tốt nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Nhà nước, các đơn vị, tổ chức đoàn thể, người tiêu dùng và đặc biệt là doanh nghiệp.

Ông Lê Bá Trình, Phó Trưởng ban thường trực Cuộc vận động cho biết, công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cuộc vận động của ban chỉ đạo ở một số địa phương còn lúng túng, chưa chủ động, linh hoạt. Đến nay còn 42/63 tỉnh, thành phố chưa xây dựng kế hoạch; chưa có cơ chế về kinh phí và các điều kiện phục vụ việc triển khai cuộc vận động nên ban chỉ đạo các cấp triển khai công việc còn nhiều vướng mắc, phụ thuộc vào kinh phí chi tiêu hành chính của Ủy ban MTTQ.

Theo ông Lê Bá Trình, cuộc vận động có thể coi là "cơ hội vàng” để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp khẳng định vai trò, trách nhiệm và khả năng hoạt động của mình đối với thị trường và người tiêu dùng trong nước.

Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đánh giá, người tiêu dùng Việt Nam ngày nay đã có những thay đổi về mặt nhận thức, quan điểm, tư duy và văn hóa tiêu dùng, có những đòi hỏi chính đáng về quyền lợi của họ đối với những sản phẩm sản xuất trong nước hay các sản phẩm nhập khẩu về xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã, thương hiệu đến dịch vụ mua bán và kênh phân phối. Do đó, để chiếm lĩnh được thị trường nội địa, doanh nghiệp cần có những chiến lược và giải pháp phù hợp với xu thế mới để chiếm được sự lựa chọn của người tiêu dùng nội địa.

Theo ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay còn thô sơ, trong khi đó thị trường nông thôn có nhu cầu mua sắm rất cao, do đó cần xây dựng và mở rộng kênh phân phối thật hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực và trang thiết bị cho việc từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, các doanh nghiệp cần có quyết tâm và xây dựng cho mình những bước đi cụ thể để chiếm lĩnh thị trường nội địa mà mục tiêu chính là phải đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, hạ giá thành, thay đổi mẫu mã sản phẩm một cách chuyên nghiệp và hiện đại; phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng. Đặc biệt, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phải nâng cao dịch vụ sau bán hàng, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng không qua trung gian. Nhà nước có cơ chế, giải pháp xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com