Đầu tháng 8 tại xã Cộng Hòa (Vụ Bản), lớp dạy nghề may công nghiệp thứ hai thuộc chương trình dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn (LĐNT) năm 2011 của huyện Vụ Bản được khai giảng. Lớp dạy nghề miễn phí cho 58 người, hầu hết là lao động trẻ ở các xã trong khu vực và được Cty May xuất khẩu Nhung Dung (Vụ Bản) cam kết nhận vào làm việc sau đào tạo. Xã Cộng Hoà là địa bàn thuần nông, cách Thành phố Nam Định khoảng 10km. Trước đây một bộ phận lao động trẻ đã ra làm việc ở các doanh nghiệp tại các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung, CCN An Xá. Tuy nhiên, việc đi lại hằng ngày gặp khó khăn nhất là với người làm ca, những buổi làm thêm giờ nên việc có doanh nghiệp đầu tư về địa bàn xã đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều lao động. Chương trình dạy nghề ngắn hạn cho LĐNT với ưu đãi người học được miễn phí là cơ hội tạo việc làm, thu nhập cho nhiều gia đình nông dân các xã trong khu vực.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB và XH Vụ Bản, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện hằng năm dao động 65-67 nghìn người. Trong số đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo các trình độ mới đạt khoảng 30%, còn số lượng lớn lao động có nhu cầu học nghề. Trên địa bàn huyện có một số làng nghề truyền thống là rèn Quang Trung, dệt Thành Lợi, mây tre đan, sơn mài Vĩnh Hào. Các nghề dệt, mây tre đan thời gian làm việc nhiều nhưng thu nhập không cao, kém hấp dẫn nên ít khả năng mở rộng. Một số nghề mới được du nhập về địa phương phát triển không ổn định do chủ yếu gia công, hiệu quả kinh tế cũng hạn chế. Trước mắt, nghề may công nghiệp đang có nhiều cơ hội và hướng phát triển lâu dài, mở rộng về nông thôn. Nhưng muốn kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn thì phải có nguồn nhân lực tại chỗ được đào tạo nghề để tạo lợi thế. Thêm nữa, huyện tiếp giáp với Thành phố Nam Định, với xu hướng phát triển đô thị và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, lực lượng lao động trên địa bàn càng cần được đào tạo để giải quyết việc làm trước mắt cũng như đón bắt cơ hội phát triển các ngành nghề, vệ tinh cho các doanh nghiệp trong các KCN, nhất là khi KCN Bảo Minh hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động. Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Vụ Bản là đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện phải đạt trên 60% tổng số lao động (tương ứng bình quân mỗi năm huyện sẽ phải đào tạo nghề cho 2.000-2.500 lao động mới), năm 2011, huyện được giao chỉ tiêu đào tạo 2.000 LĐNT, trong đó tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 790 người. Để hoàn thành chỉ tiêu, huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các cơ sở đào tạo làm tốt công tác tuyển sinh, bảo đảm đủ người, đúng đối tượng, mục đích đầu tư của ngân sách Nhà nước và tìm được việc làm sau khi học nghề. Trên cơ sở cân đối ngân sách và khả năng đào tạo, nhu cầu học nghề, tìm việc làm của nhân dân địa phương, huyện trích ngân sách lo hỗ trợ kinh phí học nghề cho khoảng 400 lao động, số còn lại thực hiện theo hình thức truyền nghề. Trong số các nghề được đào tạo, nghề may công nghiệp chiếm phần lớn do tính chất phù hợp về trình độ của lao động cũng như “đầu ra” sau đào tạo. Đến nay, kế hoạch dạy nghề cho LĐNT năm 2011 của huyện Vụ Bản đang được triển khai tích cực trên toàn địa bàn; trong đó ưu tiên cho các xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và 3 xã có các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ xây dựng KCN Bảo Minh./.
Trần Vân Anh