Tại kỳ thi học sinh giỏi Olympic quốc tế môn Toán học và Sinh học năm 2011, tỉnh ta có 3 em dự thi và cả 3 em đều đạt được thành tích, với 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. Từ đấu trường quốc tế trở về, trong niềm vui xen lẫn những tiếc nuối, các em đều khiêm tốn khi nói về những thành tích của mình.
Em Đặng Thu Trang và Nguyễn Thu Trang (thứ nhất và thứ hai từ trái sang) với bạn bè trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2011.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
|
Sau vài lần hẹn gặp, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Nguyễn Văn Thế, chủ nhân của tấm Huy chương Đồng từ đấu trường Olympic Toán học được tổ chức tại Hà Lan trở về. Khác với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, cậu học trò sinh ra tại xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường tỏ ra khá “kiệm lời” khi nói về bản thân mình. Những thành tích trong học tập của Thế, phần lớn do ông Nguyễn Văn Thịnh, bố của em tâm sự. Qua lời ông, thì Thế có một tố chất mà ngay cả ông cũng cảm thấy bất ngờ. Bởi, từ khi chập chững cắp sách tới trường đến nay, việc học của Thế đều do em “quyết định” chứ bố mẹ cũng đâu được học hành đến nơi đến chốn, vả lại cuộc sống còn nhiều lam lũ, lo toan nên cũng không có thời gian để chỉ bảo em trong việc học. Có chăng, chỉ là những tâm sự, nhắc nhở con cái cố gắng học hành để thoát nghèo, “để cho ấm cái thân”. Ông tâm sự: “Sau khi đi bộ đội, xuất ngũ trở về địa phương, tôi chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng khoán, chăn nuôi con lợn con gà, cùng vợ nuôi dạy các con. Cuộc sống vất vả, nhiều lúc chỉ mơ ước một ngày nào đó cả 3 đứa con đều có tấm bằng đại học để có nghề nghiệp ổn định, thoát khỏi lũy tre làng. Ngờ đâu, thằng Thế nó lại được đi thi quốc tế. Tôi và gia đình vui lắm, nhưng đến nay vẫn chưa kịp tổ chức liên hoan mừng cho cháu đâu…”. Quả thật, thành tích mà Thế đạt được, tuy chưa đạt được cái đích mà em và các thầy cô kỳ vọng, nhưng điều đó đã khiến cả gia đình, họ tộc em vui mừng. Nghĩ về quãng thời gian trước, khi các con đã dần lớn khôn và đứa nào cũng ham học, ông rất vui nhưng cũng khiến ông trăn trở tìm cách xoay xở để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Sau thời gian học hỏi, ông quyết định làm thêm nghề khoan giếng nước cho các gia đình tại địa phương. Tuy đã có đồng ra đồng vào, nhưng các chị của Thế, dù học giỏi nhưng cũng chỉ có điều kiện vào các trường THPT trong huyện, rồi lần lượt thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Ngân hàng. Riêng với Thế, là con út, gia đình lại có điều kiện hơn nên sau khi đoạt giải nhất trong kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay lớp 9 toàn tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia, gia đình đã động viên em dự thi vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Sau khi đỗ vào lớp chuyên Toán của trường, hai bố con đã tìm thuê được một căn phòng ở cùng với gia đình chủ nhà tại khu Gốc Mít, phường Vỵ Xuyên (TP Nam Định). Ở trong gia đình chủ nhà, nhưng hằng ngày Thế vẫn đi chợ, nấu cơm ăn một mình, dù nhiều lần bà chủ nhà tốt bụng thấy em học hành chăm chỉ có ý giúp đỡ em trong những việc chợ búa, cơm nước. Do chăm chỉ và có cách học khoa học, bài bản nên năm học lớp 11, Nguyễn Văn Thế đã đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Tuy không đoạt giải trong cuộc thi quốc gia lần này, nhưng năm học 2010-2011, Thế đã phấn đấu vươn lên đoạt giải nhì quốc gia và qua vòng thi chọn học sinh tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 52, Nguyễn Văn Thế đã chính thức có mặt trong đội tuyển và mang về tấm Huy chương Đồng. Sau khi trở về từ Hà Lan, em được tuyển thẳng vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Em cho biết, với vốn kiến thức đã được học cũng như những trải nghiệm từ các kỳ thi, em mong muốn bằng những nỗ lực của mình, em sẽ sớm được đi du học để phấn đấu giành được học vị tiến sỹ, trở thành một nhà khoa học trong tương lai.
Em Nguyễn Văn Thế với tấm Huy chương Đồng Olympic Toán học quốc tế 2011 . |
Là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong đoàn học sinh tham dự Olympic quốc tế môn Sinh học, Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được các bạn và thầy cô nhớ nhiều bởi tính cách mạnh mẽ và “phong cách” học rất đặc biệt. Khi Trang sinh ra thì bố em đi lao động ở nước ngoài. Đến năm lên 2 tuổi, mẹ em lại để em ở nhà với bà ngoại và gia đình nhà bác bên ngoại để sang Slovakia cùng với bố. Anh trai em năm lên lớp 9 cũng sang nhập tịch với bố mẹ, giờ thì đang du học ở tận nước Anh xa xôi. Xa gia đình từ tấm bé, nhưng cô bé Trang lại học rất giỏi. Những năm còn học tại Trường tiểu học Phạm Hồng Thái, cứ sáng bác chở đi, chiều mới đón về, nhưng em cũng đã cố gắng để mang về tặng bác giải ba môn Văn - Tiếng Việt và Toán lớp 5 toàn tỉnh. Không được ở gần bố mẹ, tính cách Trang mạnh mẽ như con trai và có cách học cứ như chơi vậy. Nhiều tối, bác nhắc đi nhắc lại để em phải ngồi vào bàn học nhưng cứ thấy bác ra khỏi phòng, Trang lại ôm quyển truyện tranh nằm đọc. Thế nhưng, đến kỳ thi cũng như tổng kết các môn học, em vẫn đều đặn mang về khoe bác bảng điểm sáng ngời. Và, khi dự thi vào Trường THCS Trần Đăng Ninh, Trang vẫn đỗ với số điểm khá cao. Bác Trần Thị Lan, người đã chăm sóc cho Trang từ tấm bé tâm sự: “Hồi học THCS, Trang rất thích chơi điện tử và đã từng trốn học, rủ bạn đi chơi điện tử ngoài quán làm gia đình rất lo lắng”. Trang cũng không ngại ngần kể: “Trước đây, em có dự định thi vào lớp 10 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhưng khi đi học thêm trước kỳ thi ở nhà thầy, em chỉ chăm chú vào việc chơi điện tử. Bị thầy giáo nhắc nhở nhiều lần vẫn không chừa, thầy đã đuổi em ra khỏi lớp”. Vì mải chơi nên mãi gần đến kỳ thi, bí quá Trang đánh liều nộp đơn thi vào lớp chuyên Sinh. Bởi, tuy không thích môn học này lắm, nhưng ít ra thì trong kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 9 toàn tỉnh, em đã đoạt giải ba. Thi đỗ vào lớp 10 chuyên Sinh không mấy khó khăn, Trang lại tiếp tục cách học của mình “học mà chơi, chơi mà học”. Ở nhà có khi Trang nằm đọc truyện đến 9h tối vẫn chưa học, rồi có khi vào mạng tìm kiếm thông tin. Nhưng khi mọi người đi ngủ hết rồi, Trang lặng lẽ ngồi vào bàn học. Chỉ 1-2 tiếng, Trang có thể hoàn thành hết số bài tập được giao. Vì thế mà lâu dần, bà và các bác ở nhà đã hoàn toàn tin tưởng vào cách học của em. Với tố chất thông minh và có một bảng điểm tổng kết trung bình môn năm học lớp 10 khá ấn tượng, đặc biệt là ở môn Sinh học, nên năm học 2010-2011, em đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, sau khi đã đoạt giải nhì môn Sinh học toàn tỉnh. Là thí sinh nhỏ tuổi tham dự kỳ thi quốc gia cùng với các anh chị lớp 12, nhưng Nguyễn Thu Trang đã mang về giải nhì môn Sinh học toàn quốc. Và khi đã qua được vòng thi tuyển học sinh giỏi quốc gia tham dự Olympic quốc tế, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên bởi một cô học trò mặc quần “mài”, áo phông, nghịch ngợm, học ít, thích chơi mà vẫn đạt hiệu quả. Sau 2 tháng xa gia đình để lên Hà Nội tập huấn trước khi đi thi quốc tế, Nguyễn Thu Trang đã chín chắn hơn nhiều. Em luôn cố gắng hết mình để có thể đạt được thành tích cao nhất và em đã vinh dự mang về tấm Huy chương Đồng. Từ kỳ thi trở về, Trang đem theo sự trăn trở và niềm mong ước, giá như học sinh Việt Nam có được những bộ thiết bị thực hành hiện đại, được thực hành thường xuyên hơn nữa thì không chỉ với bản thân em mà nhiều học sinh giỏi của nước ta, khi tham dự các kỳ thi quốc tế sẽ đạt được những thành tích tốt hơn nữa. Niềm trăn trở này cũng được em thẳng thắn bày tỏ trong Hội thảo: “Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực” do Bộ GD và ĐT tổ chức tại Đà Nẵng, ngay sau khi em từ kỳ thi trở về. Và điều này cũng sẽ là kinh nghiệm quý báu để năm học tới, bằng sự cố gắng của mình, nếu tiếp tục có mặt trong kỳ thi Olympic Sinh học năm 2012, hy vọng Trang sẽ đạt được thành tích cao hơn nữa.
Điều đáng tiếc ở kỳ thi Olympic Sinh học của đoàn Việt Nam, cũng như của tỉnh ta trong năm nay, đó là trường hợp của em Đặng Thu Trang, học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định. Tham dự kỳ thi ở trong nước trước khi có mặt trong đoàn thi Olympic quốc tế tại Đài Loan, ở cả 2 vòng thi Trang đều đoạt giải nhất và đứng đầu, và cũng là học sinh có học lực tốt nhất nhưng do trong bài thi thực hành đầu tiên, Trang bị đứt tay nên dù đã cố gắng nhiều nhưng cũng đã ảnh hưởng đến thời gian và tâm lý làm bài ở các bài thực hành tiếp theo. Dù có số điểm lý thuyết khá cao, nhưng Trang đành ngậm ngùi khi nhận được tấm Bằng khen trong sự tiếc nuối của mọi người. Vừa đến sân bay, trong vòng tay của thầy cô và gia đình, Đặng Thu Trang đã không giấu được những giọt nước mắt nghẹn ngào. Mẹ em, người đàn bà nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, thấy con khóc cũng không kìm nổi nước mắt: “Biết tin con được giải, tôi mừng lắm. Suốt đêm qua cả nhà cứ thao thức mãi, không ngủ được. Sáng hôm Trang từ Đài Loan trở về, tôi và cô của Trang đi ra trường Lê Hồng Phong từ 8h, đợi mọi người đến 11h xe mới chạy. Từ khi Trang đi Hà Nội tập huấn rồi đi thi luôn, hơn 2 tháng trời nay tôi mới được gặp cháu. Tuy con không đạt được thành tích như mong muốn, nhưng tôi và gia đình vui lắm”, cô Đặng Thị Thảo, mẹ của Trang chia sẻ. Sinh ra tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), Trang là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em gái. Bố em, dù mới học hết lớp 5 nhưng luôn mong muốn con mình sẽ được học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, sau những ngày đồng áng, bố em đi làm thợ xây, mẹ theo bố làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, chưa bao giờ bố mẹ nghĩ Trang có thể bước ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tham dự ở kỳ thi quốc tế. Trang còn nhớ ngày em đoạt được giải nhì môn Sinh học lớp 9 trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh, bố mẹ em đã vui đến nhường nào. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gia đình, họ hàng lại chưa có ai có thành tích học tập nổi trội, vậy mà Trang đã làm rạng danh cho bố mẹ và gia đình. Mà Trang đâu chỉ có thời gian dành cho việc học. Em vẫn phải làm những công việc nhà như bao bạn ở nông thôn khác, từ cơm nước, lợn gà đến việc cấy, việc gặt Trang đều làm hết. Vậy mà, sau khi thi đỗ vào lớp chuyên Sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, ngay trong năm học lớp 10 em đã đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi vùng Đồng bằng duyên hải phía Bắc. Năm học lớp 11, Trang lại tiếp tục đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi vùng Đồng bằng duyên hải phía Bắc và đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Và, năm học vừa qua, sau khi đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, em đã có mặt trong vòng thi học sinh thi Olympic quốc tế môn Sinh học. Có được thành tích đó, bên cạnh tố chất thông minh, ham học còn là sự nỗ lực rất nhiều của Đặng Thu Trang. Suốt 3 năm liền ở nội trú của trường, Trang đã dành hết thời gian của mình cho việc học, để có thể học giỏi đồng đều ở tất cả các môn. Em cũng luôn là học sinh luôn giành được học bổng loại A của lớp, suất học bổng mà hàng tháng đều căn cứ vào kết quả học tập để đánh giá. Mùa đông hay mùa hè, Trang cũng chỉ có bộ đồng phục chứ không hề biết đến bộ quần áo thời trang như các bạn cùng trang lứa mỗi khi không phải đến trường. Thậm chí, mùa đông vừa qua, cô giáo Trần Thị Thanh Xuân, người vừa làm chủ nhiệm lớp, vừa là lãnh đội đội học sinh giỏi Sinh học dạy em trong suốt 2 năm liền đã ngậm ngùi thương cô trò nhỏ khi cái rét thấu xương của mùa đông, Trang vẫn luôn đi một đôi dép quai hậu đến lớp. Cô đã mua giầy, mua áo tặng em và động viên em rất nhiều trong cuộc sống, chỉ bảo, hướng dẫn cho em trong từng bài học khó, cách làm hay để em vững tâm trên con đường học tập hướng ra năm châu bốn bể. Từ kỳ thi trở về, cô bé nghèo Đặng Thu Trang sẽ tiếp tục con đường học vấn của mình và trước mắt, em sẽ theo học Trường Đại học Y Hà Nội để trở thành bác sĩ, học để “thoát nghèo” như mong ước bấy lâu của gia đình em. Nhưng hơn cả, Trang mong mình sẽ trở thành một bác sỹ giỏi để chữa bệnh cho mọi người và có điều kiện sẽ học lên cao để từ đó có những công trình nghiên cứu có giá trị, đóng góp cho nền y học nước nhà.
Những thành tích của các em học sinh tỉnh nhà trong các kỳ Olympic quốc tế vừa qua, tuy chưa được như mong đợi, nhưng với quyết tâm của bản thân các em, cộng với việc chăm lo, phát hiện nuôi dưỡng, khuyến khích tài năng của tỉnh, của ngành GD và ĐT và Ban giám hiệu, các thầy cô ở mái trường chuyên Lê Hồng Phong và của gia đình các em, những học sinh giỏi quốc tế đã tiếp tục làm rạng danh cho quê hương “đất học”. Và, cũng từ đây sẽ mở ra cho các em một chân trời mới, chân trời của những tri thức và khoa học, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, quê hương./.
Hồng Minh