Làng Giao Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực) đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”. Tuy nhiên, hiện nay làng Giao Cù không giữ vững được một số chỉ tiêu về làng văn hóa, chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa có dấu hiệu giảm sút. Làng Giao Cù có 2 xóm (xóm 11, 12) có hơn 520 hộ với trên 1.720 nhân khẩu. Một trong những điều khiến người dân nơi đây trăn trở chính là thiếu nhà văn hóa - địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Do không có nhà văn hóa, nên các buổi sinh hoạt chi bộ phải tổ chức nhờ tại nhà dân; các hoạt động sinh hoạt CLB của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… chưa duy trì thường xuyên. Xã Đồng Sơn hiện có 22 xóm, hơn 4.000 hộ dân với trên 16.000 nhân khẩu, nhưng hiện nay, tất cả các xóm chưa có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn; một số địa điểm trước đây là kho bãi của HTX, nhà trẻ được “tận dụng” chuyển đổi thành “nhà văn hóa”. Đồng chí Vũ Quang Thiểm, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết, từ năm 2002, xã đã lập quy hoạch quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, nhưng hiện nay, 22 xóm chưa tiến hành triển khai xây dựng nhà văn hóa trên quỹ đất được cấp theo quy hoạch. Qua đó cho thấy, công tác huy động các nguồn lực xã hội xây dựng thiết chế văn hoá nói chung và việc tăng cường khai thác, sử dụng phát huy có hiệu quả thiết chế nhà văn hóa ở xã Đồng Sơn còn hạn chế.
Thanh niên xã Đồng Sơn (Nam Trực) làm thủ tục lên đường nhập ngũ năm 2011. |
Thực tế cho thấy, nhà văn hóa thôn, xóm có vai trò quan trọng, vừa là nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, vừa là nơi dân làng họp bàn về các việc làng, việc thôn như quy ước nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang, khuyến học, khuyến tài với mục tiêu tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thông qua các hoạt động sinh hoạt CLB hướng dẫn nhân dân tiếp thu cái mới, những tiến bộ trên các lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội. Ở xã Đồng Sơn, vì cuộc sống mưu sinh, hiện nay, hơn 50% số người trong độ tuổi lao động thường xuyên đi làm ăn xa nhà. Điều lo lắng nhất của nhân dân địa phương là làm sao bảo vệ con em trong “môi trường văn hoá” đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước sự tác động của các tai, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện ma túy. Hiện nay, tại làng văn hóa Giao Cù vẫn có trường hợp nghiện ma tuý; phần lớn đối tượng nghiện là thanh niên từng đi làm ăn xa, không tránh được những cám dỗ và mang về làng những tệ nạn xã hội.
Những “vấn đề” của làng văn hóa Giao Cù, xã Đồng Sơn cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa nói riêng và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tồn tại những hạn chế: Chất lượng xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá bị giảm sút và phong trào có xu hướng chững lại. Nguyên nhân do một số lãnh đạo địa phương chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của thiết chế nhà văn hóa trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật thường xuyên, chặt chẽ, dẫn đến nhiều địa phương vẫn là “địa bàn trắng” không có thiết chế nhà văn hóa. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở một số địa phương, cơ sở còn hình thức, dẫn đến chất lượng phong trào còn nhiều hạn chế; mục tiêu xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nếp sống văn hoá chưa được tập trung chỉ đạo thực hiện. Không ít nơi, mục tiêu, tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hoá, những quy định, quy ước về nếp sống văn hoá chưa được người dân tự giác thực hiện; ban chỉ đạo phong trào ở một số địa phương hoạt động còn yếu, sự phối hợp giữa các ngành thành viên trong ban chỉ đạo phong trào ở các cấp chưa thật thường xuyên, chặt chẽ. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” ở một số nơi còn nặng về hình thức, chạy đua về số lượng… Để phát huy hiệu quả thiết chế nhà văn hóa trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc xã hội hoá các hoạt động văn hoá, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng, khai thác và sử dụng có hiệu quả thiết chế nhà văn hóa. Xây dựng quy chế tổ chức hoạt động nhà văn hóa nhằm thống nhất xác định vai trò, vị trí, chức năng của nhà văn hóa thôn, xóm trong hệ thống tổ chức nhà văn hóa hiện nay./.