Đất mẹ đón anh về

07:07, 21/07/2011

“Cám ơn Báo Nam Định, cám ơn gia đình chị Phan Thị Quỳnh Hoa (Quảng Bình) đã lưu giữ kỷ vật, cung cấp thông tin giúp đỡ gia đình tôi tìm kiếm hài cốt em trai tôi. Sau hơn 40 năm nằm lại mảnh đất Quảng Trị, nay em trai tôi đã về quê cha, đất tổ. Nơi cõi thiêng, em trai tôi chắc sẽ mãn nguyện!”. Đó là lời tâm sự của ông Phạm Anh Tuấn, thay mặt cho gia đình liệt sỹ phát biểu tại lễ di táng và truy điệu liệt sỹ Phạm Quang Chiến, xã Hải Phúc (Hải Hậu). Kính cẩn trước anh linh liệt sỹ, những người làm báo Đảng chúng tôi tự đáy lòng trào dâng niềm vui khôn tả vì góp một phần nhỏ bé để đưa hài cốt liệt sỹ Phạm Quang Chiến về với quê nhà.

Từ bức thư “nhắn tìm thân nhân liệt sỹ”

Trung tuần tháng 7-2005, Toà soạn Báo Nam Định nhận được một bức thư của chị Phan Thị Quỳnh Hoa, hiện sinh sống tại Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) nhắn tìm thân nhân liệt sỹ Phạm Quang Chiến, quê Nam Định để gửi lại bức ảnh - kỷ vật của liệt sỹ trước khi vào chiến trường. Bức thư của chị Hoa có đoạn: “… Quê tôi ở một làng nhỏ nằm cạnh con đường chiến lược 15A. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhiều đơn vị bộ đội trên đường đi B đã dừng chân tại làng tôi. Trong các đơn vị đó có đại đội đặc công thuộc Sư đoàn 304. Ban chỉ huy của đại đội đóng tại gia đình tôi. Các chiến sỹ còn rất trẻ. Trong tình cảm quân dân thắm thiết, ba mẹ tôi và nhân dân trong làng thương yêu các anh như con cháu trong gia đình. Ban chỉ huy đại đội đặc công có đồng chí đại đội trưởng tên là Phạm Quang Chiến quê ở vùng biển tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định). Lần cuối cùng trước khi vào chiến trường, anh Chiến có chụp một bức ảnh; nhưng vì có lệnh hành quân gấp, anh không kịp gửi về cho gia đình mà nhờ bố mẹ tôi gửi giúp. Mấy tháng sau, đơn vị của anh từ chiến trường hành quân ra, gia đình tôi đau xót khi nghe tin: Đại đội trưởng Phạm Quang Chiến đã hy sinh tại mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị). Từ đó, đã gần 40 năm trôi qua, nhiều năm tôi học ở Hà Nội có về Nam Định tìm kiếm, nhưng chưa làm tròn được ước nguyện của ba mẹ tôi là gửi bức ảnh, kỷ vật thiêng liêng cuối cùng của liệt sỹ Phạm Quang Chiến cho người thân gia đình liệt sỹ. Vì tôi không biết quê của liệt sỹ ở xã nào, huyện nào. Nay tôi viết lá thư này kính nhờ Ban Biên tập Báo Nam Định đăng tin nhắn tìm để tôi gửi bức ảnh đến gia đình liệt sỹ Phạm Quang Chiến”.

Trong tâm trí của chị Hoa, ngày ấy, anh Chiến ở độ tuổi 20, thân hình vạm vỡ, nước da bánh mật. Là đại đội trưởng, anh Chiến rất vui tính, cởi mở nhưng rất nghiêm túc trong quản lý bộ đội, được đồng đội và bà con yêu quý. Ba mẹ chị Hoa coi anh Chiến như con đẻ, vì trong gia đình cũng có một người con trai nhập ngũ, chiến đấu tại mặt trận phía Nam. Vào cuối năm 1968, cục diện chiến trường ngày càng ác liệt. Ba ngày trước khi vào chiến trường, anh Chiến có chụp một bức ảnh. Lúc chia tay vào mặt trận, anh Chiến nói với bố mẹ chị Hoa: “… Nếu con không trở về, xin bố mẹ gửi bức ảnh này, coi như kỷ vật của con tới gia đình ngoài Bắc!”. Và anh Chiến đã hy sinh.

Hoà bình lập lại, bố mẹ chị Hoa tìm mọi cách thực hiện tâm nguyện của người đã khuất, nhưng “lực bất tòng tâm” vì không có địa chỉ chính xác. Trước khi qua đời, bố mẹ chị Hoa có căn dặn: “Hãy thay bố mẹ đưa kỷ vật của liệt sỹ Phạm Quang Chiến trở về với gia đình, quê hương!”. 

Lễ đón nhận di táng hài cốt liệt sỹ Phạm Quang Chiến tại quê nhà xã Hải Phúc (Hải Hậu).
Lễ đón nhận di táng hài cốt liệt sỹ Phạm Quang Chiến tại quê nhà xã Hải Phúc (Hải Hậu).

Hành trình tìm thân nhân liệt sỹ

Ngay sau khi nhận được bức thư của chị Hoa, Báo Nam Định đã đăng tin nhắn tìm thân nhân liệt sỹ Phạm Quang Chiến và nhiều lần trao đổi thông tin với chị Hoa qua điện thoại. Được sự phân công của Ban biên tập, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng; qua tìm hiểu, ở các xã thuộc 3 huyện ven biển có hàng trăm liệt sỹ tên Chiến. Vào tháng 4-2006, trong chuyến công tác tại Hải Hậu, chúng tôi nhận được tin từ đồng chí Chủ tịch UBND xã Hải Phúc: Ở địa phương, có liệt sỹ Phạm Quang Chiến, theo giấy báo tử, hy sinh năm 1970 tại Quảng Trị, chức vụ: Thiếu uý, Đại đội trưởng đơn vị 1450. Đối chiếu với lời kể của chị Phan Thị Quỳnh Hoa, thì liệt sỹ Phạm Quang Chiến lại hy sinh năm 1969. Chúng tôi nghĩ, trong chiến tranh, có thể có trường hợp ngày hy sinh và giấy báo tử không trùng khớp.

Chúng tôi tìm đến gia đình liệt sỹ Phạm Quang Chiến ở xóm 12, xã Hải Phúc. Tiếp chúng tôi là ông Phạm Anh Tuấn, ngoài 70 tuổi. Bước vào trong nhà, chúng tôi thót người… khi nhận thấy, đặt cạnh tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” là khung ảnh có khuôn mặt và thần thái giống như đúc với tấm ảnh liệt sỹ Phạm Quang Chiến mà chúng tôi có trong tay. Khi chúng tôi đưa bức ảnh liệt sỹ Chiến cho ông Phạm Anh Tuấn, ông đứng lặng… rồi bật khóc:

- Em tôi! Chiến ơi…!

Sau niềm xúc động, ông Tuấn nâng niu bức chân dung - kỷ vật cuối cùng của người em trai… như gặp lại người thân bằng xương, bằng thịt. Nghe tin “Anh Chiến… trở về”, đại diện cấp uỷ Đảng, chính quyền và đông đảo bà con lối xóm kéo tới thăm hỏi, mừng mừng, tủi tủi. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, gần 40 năm từ ngày có giấy báo tử, gia đình không nhận được thông tin của liệt sỹ Phạm Quang Chiến, không biết thi thể anh đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ hay vẫn nằm lại đâu đó trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng cùng các đồng chí, đồng đội. Trong gia đình liệt sỹ Phạm Quang Chiến còn có 2 liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là liệt sỹ Phạm Hồng Thanh, hy sinh năm 1966; Phạm Ngọc Thuận, hy sinh năm 1974… cũng đều chưa tìm được hài cốt. Trong nhiều năm qua, gia đình ông Tuấn đã tìm gặp các đồng đội cùng đơn vị chiến đấu, nhiều lần tìm đến chiến trường năm xưa, nơi liệt sỹ Phạm Quang Chiến, Phạm Hồng Thanh, Phạm Ngọc Thuận hành quân và chiến đấu để đưa hài cốt các anh về quê cha, đất tổ… nhưng đều chưa có kết quả.

Dặm đường “tri ân”

Tháng 7-2007, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, cùng với các cựu chiến binh nữ Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nam Định, gia đình liệt sỹ Phạm Quang Chiến là ông Phạm Anh Tuấn và Phạm Văn Thắng và chúng tôi có chuyến đi về vùng đất Quảng Trị anh hùng. Hơn 10 ngày trên mảnh đất “gió Lào, cát trắng”, theo nẻo đường hành quân của người chiến sỹ Phạm Quang Chiến thời đánh giặc, chúng tôi tìm đến các nghĩa trang thuộc các xã: Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa); Triệu Thước, Triệu Phượng, Triệu Long, Triệu Hòa (huyện Triệu Phong) nhưng đều không có tên liệt sỹ Phạm Quang Chiến. Nắng Quảng Trị tháng 7 dù gắt gao như đổ lửa nhưng tất cả mọi người trong đoàn đều có chung một cảm xúc: Chính mảnh đất này, có biết bao thế hệ ông cha, những người lính Bộ đội Cụ Hồ của mọi miền Tổ quốc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Khuôn mặt hằn những vết nhăn, ánh niềm vui từ đôi mắt, ông Phạm Anh Tuấn tâm sự: “Vạn nhất, không tìm thấy phần mộ em tôi, tôi sẽ lấy một nắm đất nơi đây đem về thờ cho trọn tình nghĩa tử”.

Chị Trần Hồng Thủy, cán bộ Nhà đón tiếp thân nhân liệt sỹ 27-7 Quảng Trị cung cấp cho chúng tôi thông tin quý: “Trong các liệt sỹ thuộc Sư đoàn 304 hy sinh năm 1970, quê Nam Hà, có một người tên là Phạm Văn Chiến, sinh năm 1949 (trong hồ sơ ghi: quê quán ở Lim Bẩy, Nam Hà) hiện được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ Triệu Ái (Triệu Phong), phần mộ 57, B1, lô 2, H1. Trước thông tin trên, mọi người trong đoàn đều thắc mắc, ở tỉnh Nam Hà cũ (nay đã tách ra thành hai tỉnh là Hà Nam và Nam Định) thì không có xã nào và huyện nào mang tên “Lim Bẩy”. Rất có thể, trong quá trình tu sửa nghĩa trang, làm bia mộ liệt sỹ hoặc do nhiều nguyên nhân, mà địa danh quê quán “Lim Bẩy” chính là huyện Kim Bảng (Hà Nam). Được sự giúp đỡ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, chúng tôi tra cứu danh sách các liệt sỹ thuộc Sư đoàn 304 đã hy sinh tại Quảng Trị từ năm 1968 đến 1971. Trong danh sách này, có tên của hai liệt sỹ: “Phạm Quang Chiến, sinh năm 1949, quê xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà, hy sinh năm 1970 tại Khe Sanh, phần mộ hiện chưa xác định” và “Phạm Văn Chiến, sinh năm 1949, quê xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Hà, hy sinh tại Triệu Ái, huyện Triệu Phong, phần mộ đã được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Ái”. Chúng tôi về làm việc với chính quyền xã Triệu Ái, sau khi xem xét hồ sơ gốc, thì liệt sỹ Phạm Văn Chiến quê gốc ở xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam do khi tôn tạo nghĩa trang, trên bia mộ, có sự nhầm lẫn về quê quán “Kim Bảng” thành “Lim Bẩy”. Các đồng chí lãnh đạo chính quyền xã Triệu Ái cùng những người làm công tác quản trang còn cho biết: Từ sau ngày giải phóng, liệt sỹ Phạm Văn Chiến chưa có gia đình vào thăm, nhận phần mộ.

Qua điện thoại liên lạc từ Quảng Trị ra tỉnh Hà Nam, chúng tôi được biết, xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng ngày nay đã tách làm hai là phường Lê Hồng Phong và xã Châu Sơn đều trực thuộc Thành phố Phủ Lý. Liên hệ với UBND xã Châu Sơn và phường Lê Hồng Phong, được biết, ở xã Châu Sơn có liệt sỹ Phạm Văn Chiến, theo giấy báo tử thì đơn vị chiến đấu là Sư đoàn 304, hy sinh năm 1970 tại mặt trận phía Nam, hiện gia đình chưa biết thông tin về phần mộ liệt sỹ. Từ thông tin do chúng tôi cung cấp, hai ngày sau, gia đình liệt sỹ Phạm Văn Chiến từ Hà Nam đã có mặt tại nghĩa trang xã Triệu Ái. Đối chiếu giữa giấy báo tử mà gia đình liệt sỹ đang lưu giữ và hồ sơ về danh sách các liệt sỹ hy sinh tại Quảng Trị của Sư đoàn 304 và hồ sơ các phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang Triệu Ái, tất cả mọi người và gia đình liệt sỹ Chiến đều khóc òa. 37 năm qua, gia đình liệt sỹ đã biết bao lần tìm kiếm và hôm nay mới tìm được phần mộ, liệt sỹ Phạm Văn Chiến đã “gặp” được người thân.

Chúng tôi rời mảnh đất Quảng Trị, dù không đạt kết quả như mong đợi, nhưng tất cả chúng tôi đều vui khi hạnh phúc vì rất ngẫu nhiên chúng tôi đã mang lại niềm vui cho thân nhân liệt sỹ Phạm Văn Chiến (Hà Nam). Niềm vui có ý nghĩa thiêng liêng với tất cả mọi người.

Đất mẹ đón anh về

Hơn 3 năm qua, gia đình ông Tuấn đã tổ chức 7 chuyến đi về mảnh đất Quảng Trị tiếp tục tìm phần mộ liệt sỹ Chiến. Trung tuần tháng 10-2010, chúng tôi nhận được điện thoại của ông Phạm Anh Tuấn với lời nhắn: “Đã tìm thấy phần mộ của liệt sỹ Phạm Quang Chiến, hiện đang nằm tại địa bàn thôn Nguồn Rào, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, phần mộ chưa được quy tập vào nghĩa trang”.

Ngày 16-11-2010, Đảng ủy, UBND, Uỷ ban MTTQ xã Hải Phúc (Hải Hậu) long trọng tổ chức lễ di táng và truy điệu liệt sỹ Phạm Quang Chiến. Đoàn người đến viếng anh mỗi lúc một đông với không khí trang nghiêm, thành kính. Sau giai điệu trang nghiêm của đoàn nhạc kèn tấu bài “Hồn tử sỹ” vang vọng lời điếu văn:

“Hôm nay, được đón anh về với quê mẹ, đất tổ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Phúc vô cùng xúc động, cầu chúc cho hương hồn anh siêu thoát ở cõi vĩnh hằng.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, thời gian không bao giờ lặp lại, duy nhất chỉ có giá trị tinh thần và tiếng thơm thì lưu mãi ngàn thu. Bia đá có thể mòn, song công lao của các liệt sỹ, vì cách mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân mà hy sinh thì mãi mãi trường tồn cùng lịch sử…!”

Bài và ảnh: Việt Thắng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com