Ngoài sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện Vụ Bản chỉ có 2 xã có nghề truyền thống là nghề đan cót ở xã Vĩnh Hào và nghề cơ khí ở xã Quang Trung. Vì thế, rất nhiều lao động của huyện, trong đó có hàng nghìn phụ nữ phải rời quê lên các thành phố để tìm việc làm tăng thêm thu nhập. Nhiều gia đình cả hai vợ chồng đi làm ăn xa, chỉ dịp Tết mới về, việc chăm lo dạy dỗ con cái phải nhờ ông bà nội ngoại. Nhiều chị em không có điều kiện đi làm ăn xa, thu nhập của gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Khai giảng lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nữ ở xã Trung Thành (Vụ Bản). |
Để giúp chị em có việc làm, thu nhập lại có điều kiện chăm sóc gia đình, Hội LHPN huyện Vụ Bản xác định đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ. Trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức 10 lớp dạy nghề may công nghiệp, mây tre đan xuất khẩu và nghề thêu cho 358 phụ nữ tại các xã Vĩnh Hào, Minh Thuận và Trung Thành. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện phối hợp với Cty XNK Nam Định, Trung tâm Khuyến công tỉnh, Liên minh HTX tỉnh tổ chức 2 lớp móc hộp sợi xuất khẩu cho 275 phụ nữ tại Thị trấn Gôi và xã Đại Thắng, 1 lớp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho 200 phụ nữ tại xã Hợp Hưng, 1 lớp may công nghiệp cho 300 học viên tại xã Minh Thuận, phát triển nghề đan len tại xã Liên Minh… Ngoài ra, nhiều xã như: Tân Khánh, Liên Minh, Vĩnh Hào, Hiển Khánh, Cộng Hoà… còn chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện mở 25 lớp dạy nghề thêu, may công nghiệp và đan bẹ chuối xuất khẩu cho trên 700 lao động. Riêng xã Vĩnh Hào (đơn vị được Hội LHPN tỉnh chọn chỉ đạo điểm chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ), trong 5 năm qua đã mở 18 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 574 lao động, trong đó 1 lớp dạy nghề cho 25 phụ nữ khuyết tật; tổ chức 4 lớp dạy nghề mây tre đan cho 115 lao động, trong đó có 1 lớp dạy miễn phí cho 30 phụ nữ thuộc diện hộ nghèo. Nhờ đó, từ 1 cơ sở may ban đầu do Hội LHPN tỉnh đầu tư 50 máy may, đến nay trên địa bàn xã đã mở 3 cơ sở với 200 máy may, tạo việc làm thường xuyên cho 170-200 lao động, thu nhập 1-2 triệu đồng/người/tháng. Đối với một số ngành nghề truyền thống như nghề cơ khí ở Quang Trung, nghề đan cót ở Vĩnh Hào, Hội Phụ nữ đã phối hợp với các chủ cơ sở sản xuất, tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, thực hiện chuyển đổi mặt hàng, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường. Đến nay xã Vĩnh Hào có khoảng 80% lao động làm nghề mây tre đan với các sản phẩm như gối mây, sản phẩm mỹ nghệ từ tre nứa ghép. Tại xã Thành Lợi, Hội Phụ nữ xã phối hợp với 2 doanh nghiệp trên địa bàn khôi phục nghề dệt truyền thống của địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động. Ở xã Minh Thuận, trước đây nghề thêu ren còn nhỏ lẻ, Hội Phụ nữ xã đã vận động các chị có tay nghề cao tổ chức dạy nghề, đồng thời vận động những chị có khả năng đứng ra làm đầu mối nhận và tiêu thụ sản phẩm; tiêu biểu là cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Soạn thu hút trên 1.000 lao động trong xã và các xã lân cận. Các cấp Hội Phụ nữ trong huyện còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kiến thức cho các nữ chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức 12 lớp tập huấn về kiến thức kinh doanh, kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho 932 nữ chủ cơ sở sản xuất và cán bộ, hội viên. CLB “Nữ doanh nhân” các cấp được thành lập, tạo điều kiện cho các chị mở rộng mối quan hệ giao lưu tìm kiếm bạn hàng, mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ tại địa phương. Điển hình như CLB “Giới và kinh doanh” xã Vĩnh Hào, CLB “Nữ doanh nhân” xã Quang Trung…
Thông qua công tác dạy nghề, tạo việc làm Hội Phụ nữ các cấp đã giúp chị em gắn kết hơn với tổ chức Hội. Số phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội không ngừng tăng lên qua các năm. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã kết nạp 4.300 hội viên, đưa tổng số hội viên lên trên 27.600 hội viên, đạt 78,4%, tăng 13,4% so với đầu nhiệm kỳ. Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vụ Bản cho biết “Hoạt động dạy nghề, mở mang ngành nghề phụ cho phụ nữ ở các cấp Hội đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của phụ nữ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề việc làm cho lao động nữ của huyện Vụ Bản còn nhiều bấp bênh do các ngành nghề mở ra nhiều nhưng thiếu ổn định, việc làm lúc nhiều lúc ít phụ thuộc vào thị trường và các doanh nghiệp đầu mối”. Trăn trở của chị Yến cũng là nỗi trăn trở của nhiều cơ sở dạy nghề cho lao động để giải quyết bài toán việc làm ở nông thôn hiện nay./.