Vẫn canh cánh nỗi lo đồ chơi cho trẻ

10:07, 07/07/2011

Chơi là một trong những nhu cầu thiết yếu với trẻ nhỏ. Đồ chơi phù hợp với từng lứa tuổi sẽ góp phần quan trọng trong hình thành tính cách và nhân cách của các em trong tương lai. Chính vì thế, đồ chơi không chỉ đơn giản là cái để các em chơi, là phương tiện để giải trí phải đảm bảo về nhiều phương diện: Chất lượng, tính an toàn, tính giáo dục và thẩm mỹ. Tuy nhiên lâu nay, vì nhiều lý do, đồ chơi cho trẻ em vẫn bị thả nổi, tạo nên nỗi lo lắng, bất an cho các bậc phụ huynh và cả xã hội. Thực tế, đồ chơi cho trẻ em nội địa còn rất nghèo nàn về mẫu mã, chủng loại, đơn điệu không mấy hấp dẫn với trẻ và cũng chưa thực sự "khơi" được năng khiếu cùng sự sáng tạo, năng động cho trẻ. Chất lượng không cao nhưng giá lại quá đắt, đó là lý do khiến các bậc phụ huynh không mấy mặn mà với đồ chơi Việt Nam và đó cũng là cơ hội để đồ chơi Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường đồ chơi Việt Nam. Ước tính hiện nay có tới 80% đồ chơi trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc. Đa dạng về mẫu mã, chủng loại, sinh động, đẹp và bắt mắt, lại hợp lý về giá cả, nhờ thế, đồ chơi Trung Quốc dễ dàng được các bậc phụ huynh và các cháu lựa chọn và dần lấn át đồ chơi nội. Thực tế, từ xúc xắc, búp bê, siêu nhân, gấu bông, bộ ghép hình đến ôtô, xe máy, máy bay… xuất xứ từ Trung Quốc đều bắt mắt, hấp dẫn với trẻ và phù hợp với túi tiền của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng của các loại đồ chơi này chưa cao, thậm chí nhiều loại thực sự là "hàng mã", chưa chơi đã hỏng. Phần lớn đồ chơi Trung Quốc đều được sản xuất bằng loại nhựa rẻ tiền, rất giòn và dễ gẫy, nên khá nguy hiểm đối với các cháu. Nhiều cháu đã gặp "tai nạn" vì chơi những thứ đồ chơi chất lượng kém này. Độc hại cũng là điều phụ huynh rất lo lắng khi cho con em chơi đồ chơi Trung Quốc. Đa phần đồ chơi Trung Quốc đều được sản xuất từ loại nhựa PVC. Chất liệu này cho sản phẩm mềm dẻo, có độ sáng bóng, màu sắc rực rỡ, nhưng nếu trẻ ngậm vào miệng sẽ rất nguy hiểm. Đồ chơi của Trung Quốc tuy ăn khách nhưng lại chú trọng quá nhiều đến yếu tố kinh doanh, bỏ qua tính giáo dục - vốn là chức năng quan trọng của mỗi món đồ chơi. Nhiều đồ chơi còn kích thích tính bạo lực cho con trẻ. Nhìn như vậy có thể thấy, đồ chơi vẫn đang tiềm ẩn nhiều điều bất ổn, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Được biết từ 1-6-2011, Bộ GD-ĐT đã có Thông tư quy định về quản lý đồ chơi cho trẻ em trong nhà trường từ trang bị đồ chơi, sử dụng và bảo quản đồ chơi đến tổ chức thực hiện. Tuy nhiên để giải tỏa được nỗi lo của toàn xã hội, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt phải đầu tư tâm huyết, trí tuệ để tạo được những đồ chơi nội địa vừa có chất lượng cao, sinh động, an toàn, vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục thẩm mỹ, phù hợp với sở thích và giá cả hợp lý. Có như vậy mới đảm bảo được môi trường vui chơi lành mạnh và sự phát triển hoàn thiện nhân cách của các em./.

Theo: tainguyenmoitruong.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com