Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính

08:07, 15/07/2011

Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản, thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân và không còn là rào cản đối với sự phát triển  kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tích cực thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát TTHC theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8-6-2010 và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14-2-2008  của Chính phủ.

I - Kiểm soát TTHC xuất phát từ hiệu quả của Đề án 30

Sau khi triển khai thực hiện Đề án 30 (Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 1-10-2007 về đơn giản hoá các TTHC trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước), ngày 14-2-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Ngày 8-6-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC để xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Kiểm soát TTHC theo 2 nghị định trên là một quy trình, bắt đầu từ việc đánh giá tác động của TTHC từ trong quá trình dự thảo; gửi lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC; công khai, minh bạch sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi trong thực tiễn; tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và giám sát việc thực thi TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức. Tại tỉnh ta, qua 2 năm thực hiện Đề án 30, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã thống kê, rà soát 1.376 TTHC, trong đó đã kiến nghị đơn giản hoá 866 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ đơn giản hóa là 63%, vượt so với yêu cầu của Thủ tướng giao là 30%. Từ đó, trong năm 2010 tỉnh đã tổ chức thực thi xong phương án đơn giản hoá TTHC thuộc thẩm quyền của tỉnh theo Quyết định số 1345/QĐ-UBND ngày 13-7-2010. Việc công bố bộ TTHC đã giúp người dân và doanh nghiệp giảm được chi phí trong thực hiện TTHC, tránh phiền hà, sách nhiễu và giám sát được việc thực hiện TTHC của cán bộ, công chức. 

Cán bộ, công chức Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh) kiểm soát các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và địa phương.
Cán bộ, công chức Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh) kiểm soát các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và địa phương.

Để bảo đảm công tác kiểm soát TTHC theo quy định tại Nghị định 63/NĐ-CP, UBND tỉnh đã thành lập Phòng Kiểm soát TTHC, thuộc Văn phòng UBND tỉnh có chức năng kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh, tổ chức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị kịp thời của nhân dân trong quá trình thực hiện. Đến ngày 1-7-2011, Phòng Kiểm soát TTHC đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành: “Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh quy định hành chính”, “Quy chế phối hợp công bố, công khai thủ tục hành chính” và “Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh”; phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thành việc thiết lập hệ thống đầu mối kiểm soát TTHC tại các sở, ngành và các huyện, thành phố. Để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, Phòng Kiểm soát TTHC đã hướng dẫn các cán bộ là đầu mối kiểm soát TTHC các sở, ngành về cách thức thực hiện và quy trình công bố, công khai TTHC; trong đó nhiều sở, ngành đang triển khai thực hiện tốt như Sở: GT-VT, KH-CN, Xây dựng…Việc công khai bộ TTHC; công khai địa chỉ, số điện thoại, email (thư điện tử) chuyên dùng của tỉnh được các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện cơ bản đầy đủ tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực thuộc. Theo báo cáo của các đơn vị, Công an tỉnh đã công khai TTHC ở 16 đơn vị trực tiếp thực hiện TTHC, UBND huyện Giao Thủy công khai ở 22 đơn vị, UBND huyện Ý Yên ở 32 đơn vị… Ngoài ra, Phòng Kiểm soát TTHC phối hợp với phòng chuyên môn thuộc Sở TT-TT hoàn thiện và chỉnh sửa diễn đàn cải cách TTHC trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; hoàn thành việc biên soạn tài liệu và xây dựng kế hoạch tập huấn cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị cấp huyện, cấp xã và các cán bộ đầu mối các sở, ban, ngành của tỉnh trong tháng 7. Các ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính đều được tiếp nhận, phân loại và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

II - Để kiểm soát TTHC thực sự hiệu quả

Kiểm soát TTHC là vấn đề mới nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hiểu kiểm soát TTHC là như thế nào và thực hiện những gì; nhiều sở, ngành chưa thực hiện đúng quy định thời gian trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố, công khai các TTHC; vẫn còn một số trường hợp chưa công khai đủ TTHC đang thực hiện tại đơn vị… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đến nay, các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa hoàn thành việc ban hành hoặc mới chỉ ban hành một phần các văn bản quy phạm pháp luật thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết của Chính phủ nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công bố, công khai TTHC. Mặt khác, trong một số trường hợp việc kiểm soát TTHC có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ của chính quyền đơn vị, cá nhân nơi đó… Để công tác kiểm soát TTHC đi vào nền nếp, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân. Các sở, ban, ngành, địa phương cần cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật để trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố, công khai kịp thời các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC phải tổ chức đánh giá tác động, lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC trước khi chuyển sang Sở Tư pháp thẩm định trình UBND tỉnh ban hành. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công khai và tình hình thực hiện TTHC tại cơ quan, địa phương và đơn vị trực thuộc. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, các cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về TTHC, không thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch TTHC trong giải quyết công việc cho nhân dân, cũng như việc chậm trễ sửa đổi các quy định về TTHC không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và không hiệu quả…, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu cải cách TTHC nói riêng và cải cách hành chính nói chung, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính của tỉnh./.

Bài và ảnh: Đức Thiện

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com