Thực hiện tốt Luật BHYT, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cho nhân dân

08:07, 01/07/2011

(Trao đổi giữa PV Báo Nam Định với đồng chí Nguyễn Thị Hương, Giám đốc BHXH tỉnh về việc thực hiện Luật BHYT ở tỉnh ta và những giải pháp để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014).

PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được qua 2 năm thực hiện Luật BHYT ở tỉnh ta?

Khám bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Ảnh: PV
Khám bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT.
Ảnh: PV

Đồng chí Nguyễn Thị Hương: Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Các chế độ chính sách BHYT đã được quy định chặt chẽ trong luật là cơ sở pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện. Đối tượng tham gia BHYT mở rộng từ 14 nhóm tăng lên 25 nhóm. Mức đóng của các đối tượng tham gia BHYT tăng so với trước, vì vậy quỹ khám chữa bệnh (KCB) được tăng lên, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng. BHXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Công văn số 182/UBND-VP7 ngày 6-10-2009 về việc triển khai Luật BHYT, Công văn số 147/UBND-VP7 ngày 26-8-2009 và Công văn 169/UBND-VP7 ngày 1-9-2010 về việc triển khai BHYT học sinh, sinh viên đồng thời tổ chức hội nghị triển khai Luật BHYT và Chỉ thị số 38/CT-TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, Hội LHPN tỉnh phổ biến những nội dung cơ bản của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn; in, phát hành 85 nghìn tờ tài liệu tuyên truyền chính sách BHYT đến các thôn, xóm và các trường học trên địa bàn; dựng panô, áp phích tuyên truyền chính sách BHYT tại những khu vực tập trung đông dân cư và các bệnh viện; tổ chức các hoạt động nhân ngày BHYT Việt Nam... Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH trong việc giao nhận danh sách trẻ em dưới 6 tuổi; cùng với Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh duyệt mức hỗ trợ một phần mức đóng cho các đối tượng; phối hợp với Sở GD-ĐT về việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên; phối hợp với Sở Y tế trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu và quy định các đối tượng, số lượng người tham gia được đăng ký KCB ban đầu theo quy định tại Thông tư số 10/TT-BYT của Bộ Y tế. Do đó, đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh về số lượng ở tất cả các nhóm đối tượng. Năm 2010, tổng số đối tượng tham gia BHYT là 813.261 người chiếm 43,38% dân số của tỉnh, tăng 109.772 người so với năm 2009. Tổng số tiền thu BHYT năm 2010 đạt 291,256 tỷ đồng, tăng 154,1 tỷ đồng so với năm 2009. Mặc dù trong thời gian ngắn phải tổ chức tiếp nhận danh sách, in và phát hành thẻ cho các đối tượng tham gia theo luật nhưng việc in thẻ BHYT theo mẫu mới được thực hiện kịp thời. BHXH tỉnh đã in và cấp 156.604 thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đổi mã quyền lợi cao hơn cho 50.361 người có công với cách mạng tham gia ở các nhóm đối tượng khác. BHXH tỉnh đã thực hiện ký hợp đồng KCB với 33 cơ sở y tế trong tỉnh. Việc đăng ký KCB ban đầu được thực hiện đúng quy định theo Thông tư 10/2009/TT-BYT ngày 14-8-2009 của Bộ Y tế. Thông qua hợp đồng KCB BHYT với các bệnh viện tuyến huyện, đã có 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu, tỷ lệ thẻ tại các trạm y tế xã chiếm 89%. Việc thanh toán chi phí KCB BHYT được thực hiện đồng thời theo cả phương thức thanh toán theo phí dịch vụ và theo định suất. Năm 2010, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế áp dụng phương thức thanh toán theo định suất tại 5 cơ sở KCB BHYT, đảm bảo lộ trình thực hiện áp dụng thanh toán theo định suất. Đến nay đã có 11 cơ sở KCB BHYT thực hiện theo định suất, giúp cơ sở y tế chủ động được nguồn kinh phí ngay từ đầu quý, tạo thuận lợi trong việc KCB cho người bệnh có thẻ BHYT; công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở KCB được chú trọng hơn thông qua việc nâng cao chất lượng KCB, chuyển tuyến điều trị; quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB được nâng cao... Về quản lý quỹ BHYT, năm 2010 đã cân đối quỹ KCB BHYT trong toàn tỉnh (trong khi năm 2009 vượt quỹ 80 tỷ đồng). Quỹ được sử dụng là 328,416 tỷ đồng, trong đó chi chăm sóc sức khoẻ ban đầu 3,475 tỷ đồng, chi KCB trong tỉnh 192,816 tỷ đồng, chi KCB ngoài tỉnh 112,925 tỷ đồng, kinh phí còn dư 19,2 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số hạn chế như: Trong công tác thu và phát triển đối tượng, theo quy định thì học sinh, sinh viên thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, nhà trường có trách nhiệm thu tiền, mua thẻ BHYT cho học sinh nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường quan niệm đây là đối tượng tham gia tự nguyện nên kết quả thu BHYT học sinh, sinh viên không cao. Một số cơ sở KCB chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị không phù hợp với tình trạng bệnh, gây lãng phí, dẫn đến bội chi quỹ KCB BHYT. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở còn thiếu, có trạm y tế xã không có bác sỹ, ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHYT.

PV: Đồng chí cho biết ngành BHXH tỉnh có giải pháp nào để đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014?

Đồng chí Nguyễn Thị Hương: Để đạt được mục tiêu trên, trước mắt ngành BHXH tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật BHYT nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chính sách BHYT, quyền lợi khi tham gia BHYT, nhất là BHYT học sinh, sinh viên. BHXH tỉnh tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐNĐ, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức thực hiện Luật BHYT trên địa bàn có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt quy trình giám định, đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc thực hiện Luật BHYT. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa 2 ngành Y tế - BHXH, cùng các cơ sở KCB BHYT nâng cao chất lượng phục vụ cho đối tượng tham gia BHYT khi KCB. Ngoài ra, BHXH tỉnh đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT bằng các biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo hướng tạo quyền chủ động tốt hơn cho các cơ sở y tế. Đổi mới phương thức giám sát và tăng cường dịch vụ y tế tới gần dân nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có BHYT ngay từ tuyến cơ sở. Đổi mới cơ chế quản lý giám sát chi phí KCB BHYT phát sinh tuyến trên (chi phí đa tuyến), đảm bảo thanh quyết toán nhanh gọn, kịp thời đúng tiến độ giữa các cơ sở KCB BHYT với cơ quan BHXH. Tăng cường đội ngũ giám định viên để phối hợp chặt chẽ với cơ sở KCB trong công tác tuyên truyền, giải thích về chế độ chính sách BHYT theo luật và giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn về thủ tục KCB, về quyền lợi và trách nhiệm của người bệnh, đảm bảo mục tiêu "BHYT - chất lượng và sự hài lòng của người bệnh".

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Lam Hồng
(Thực hiện)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com