Thành An: Việc lớn, cả làng cùng lo!

07:07, 28/07/2011

Làng Thành An, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) chưa phải là một làng quê giàu có. Hầu hết trong số 296 hộ dân trong làng sinh sống vẫn dựa chủ yếu vào nghề nông. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, làng Thành An đã làm được nhiều công trình, phần việc cụ thể, nhất là trong phát triển cơ sở hạ tầng. Điều gì khiến Thành An làm được như vậy? Câu trả lời là: việc lớn, cả làng cùng lo!

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tới thăm làng Thành An là sự  sạch đẹp, quy củ. Cổng làng nằm sát tỉnh lộ 490 (đường 55 cũ) khá to và đẹp. Cạnh đó, khu nhà văn hoá vừa được khánh thành còn bóng màu sơn cũng to, đẹp không kém. Đoạn sông chạy qua trước làng hai bên bờ cũng mới được kè đá rất chắc chắn. Trong làng có năm con đường, gồm bốn đường dọc, một đường ngang đều đã được trải bê tông láng bóng. Đặc biệt mặt đường khá rộng, từ 4 đến 5 mét. Chạy song song với đường là mương tiêu nước rộng đến 3 mét, được xây kè kiên cố, lòng mương sạch sẽ không thấy dù chỉ một cọng rác hay một khóm bèo. Năm con đường ngang, dọc ấy chia làng thành những cụm dân cư vuông vức như bàn cờ. Đứng ở đầu dong có thể nhìn thông tầm đến cuối dong mà không bị bất cứ ngôi nhà hay bức tường nào nhô ra cản tầm mắt. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Ngô Xuân Trường, bí thư chi bộ 5, làng Thành An cười hiền lành: “Chả phải chúng tôi nghĩ được như vậy đâu, cha ông nghĩ hộ cho trước rồi! Chúng tôi chỉ làm lại cho khang trang hiện đại hơn thôi!”. Rồi ông kể, làng Thành An được lập nên cũng chưa lâu, chỉ quãng trên dưới 100 năm. Cụ tổ của làng là ông Trần Phú Gia. Ngay từ thuở lập làng, cụ Gia và những người cùng thế hệ đã tỏ rõ “tầm nhìn xa” khi quy hoạch làng đúng như hiện tại. Nhưng theo thời gian, cuộc sống có nhiều thay đổi, số dân trong làng ngày một đông thêm, nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường cứ cơi nới dần ra, nhà này xây thêm cái bờ tường, nhà khác xây thêm cái bếp, rồi cái công trình phụ khiến đường làng ngày một nhỏ lại, méo mó, thò thụt, mương tiêu nước dần dần cũng không còn. Đầu năm 2010, khi triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Phong chọn làng Thành An chỉ đạo thực hiện thí điểm. Ông Trường thật thà: “Ban đầu, anh em trong chi bộ chúng tôi cứ nghĩ xây dựng nông thôn mới là một dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng lớn của Nhà nước. Làng mình thực hiện thí điểm chắc số tiền đầu tư được nhận không nhỏ. Nhưng sau nhiều lần được tham dự các buổi họp quán triệt trên xã, qua các phương tiện thông tin, chúng tôi mới “vỡ” ra rằng xây dựng nông thôn mới không đơn thuần như vậy mà là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể ở nông thôn, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể, chủ động, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ thôi. Nghĩa là mình phải tự làm phải không chú?”…

 Việc đầu tiên các ông làm là chi bộ mời các cán bộ các chi hội, đoàn thể, ban hành giáo để thảo luận bàn việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của làng. Chi bộ thống nhất đặt ra mục tiêu đến năm 2013 lãnh đạo bà con trong làng thực hiện đạt đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trước mắt tập trung thực hiện việc mở rộng, làm mới lại hệ thống đường làng cùng hệ thống mương tiêu nước, xây dựng nhà văn hóa. Phương châm thực hiện là phát huy nội lực, động viên nhân dân trong làng, nhất là con em Thành An đang sinh sống, công tác, làm ăn thành đạt ở mọi miền đất nước đóng góp trí tuệ, công của tham gia thực hiện…

- Các bác là cán bộ, đảng viên, được họp hành, quán triệt chủ trương, nghị quyết nên dễ thông suốt. Nhưng còn người dân thì thế nào? Làm sao để mọi người cùng hiểu rõ mục đích, thấy rõ được quyền lợi để từ đó cộng đồng trách nhiệm thực hiện một việc lớn như xây dựng nông thôn mới?

- Cũng phải họp chứ chú! Mà phải họp toàn thể, gia đình nào cũng phải cử người đi họp. Mà không phải họp một lần đâu nhé. Phải tuyên truyền, giải thích đến khi nào mọi người đều thông suốt chúng tôi mới tổ chức thực hiện. Bà con không hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, không tham gia thực hiện, cán bộ, đảng viên chúng tôi có nhiệt tình, tâm huyết đến mấy cũng chịu!

Ông Trường nhớ lại trong những buổi họp dân, hầu hết các chủ trương, kế hoạch chi bộ, ban hương ước làng nêu ra mọi người đều nhanh chóng tán đồng. Duy có việc đề nghị những hộ ven đường trả lại phần đất trước đây đã cơi nới để mở rộng đường làng, khôi phục lại mương tiêu nước thì có một số ý kiến tỏ vẻ không thông. Chẳng là, cách đây ít năm, khi Nhà nước làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con, toàn bộ phần diện tích bà con cơi nới đều được hợp thức hóa. Thời buổi “tấc đất tấc vàng” bà con có ý do dự cũng là điều dễ hiểu. Vậy nhưng khi chi bộ, ban hương ước làng tuyên truyền, giải thích ai cũng nhận ra vì lợi ích chung, lâu dài, mỗi gia đình hy sinh một chút quyền lợi riêng cũng chẳng thấm tháp gì. Vả lại ai cũng muốn có con đường rộng rãi để việc đi lại, vận chuyển, phơi phóng được thuận tiện. Cuối cùng bà con trong làng, cả lương lẫn giáo cùng thông suốt, giơ tay biểu quyết. Thực hiện “nghị quyết của làng”, những hộ dân ven đường đều tự nguyện trả lại làng toàn bộ phần diện tích đất đã cơi nới. Nhiều hộ trả lại năm, sáu chục m2 đất. Không những thế các hộ còn tình nguyện tự giải toả các công trình đã xây dựng, trả lại mặt bằng cho việc thi công. Vào thăm nhà ông Nguyễn Văn Đại, trong câu chuyện ông bày tỏ băn khoăn do bận làm mùa gia đình ông chưa kịp giải toả khiến phần đường chạy qua nhà ông chưa thể có mặt bằng thi công. Tranh thủ xong mùa ông sẽ làm ngay cho kịp. Hưởng ứng vận động của làng, đợt này gia đình ông Đại tình nguyện hiến đến 60m2 đất, là một trong những gia đình hiến nhiều đất nhất làng. Trò chuyện lâu mới biết không phải bây giờ gia đình ông Đại mới có việc đóng góp lớn như thế này. Bản thân ông là thương binh chống Mỹ. Trước đó, bố ông, cụ Nguyễn Văn Ngoạn có bao nhiêu ruộng, trâu bò, cày cuốc cũng mang góp cả vào để xây dựng HTX nông nghiệp Thành An. Nhờ vậy, trong những năm kháng chiến, HTX là đơn vị dẫn đầu phong trào lao động sản xuất ở miền Bắc, từng vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm động viên, khích lệ…

- Làm đường, làm nhà văn hoá, làm cổng làng, toàn là những việc “ngốn” tiền cả! Bà con trong làng cũng chưa lấy gì làm dư dả. Các bác lấy đâu ra tiền để làm?

 - Chú nói đúng đấy! Nếu chỉ dựa vào đóng góp của dân trong làng thì làm sao mà đủ được. Chúng tôi phải dùng đến “của để dành” đấy!

- Của để dành?

- Vâng! Các cụ dạy con cái là của để dành. Thành An quê tôi chưa giàu nhưng được cái hiếu học. Khó mấy cũng lo cho con cái được học hành. Hơn hai trăm con em của làng có trình độ đại học trở lên trong khi làng chỉ có gần một nghìn dân. Rất nhiều trong số đó giờ là giám đốc, bác sỹ, kỹ sư, cán bộ cấp cao; giáo sư, tiến sỹ cũng có đến bốn người. Thành đạt, có điều kiện về kinh tế, ai cũng muốn được đóng góp xây dựng quê hương. Hơn 1 tỷ đồng chúng tôi huy động được thì có đến hai phần ba do con em Thành An ở khắp mọi miền và một số doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp…

Người góp đất, người góp tiền, người góp công, chỉ từ đầu năm 2010 đến nay, làng Thành An đã từng bước hoàn thành việc mở rộng, làm mới từ cổng làng, đường làng đến nhà văn hoá. Riêng đường làng, mương tiêu nước được khôi phục theo đúng quy hoạch của cha ông, chỉ “khác” ở chỗ khang trang, hiện đại hơn nhiều. Trong ngày vui khánh thành nhà văn hóa tổ chức vào ngày 30-4 mới đây, con em quê hương Thành An đang ở mọi miền về tụ họp đông đủ. Nhiều người không quên dành một khoản tiền ủng hộ việc xây dựng, kiến thiết, tổng số tiền làng nhận được trong ngày khánh thành nhà văn hoá lên đến 45 triệu đồng. Ông Trường cho biết, mọi sự đóng góp xây dựng làng, dù nhỏ đều được làng ghi công trong sổ vàng để các thế hệ con cháu Thành An noi theo. Trong ngày sum họp, ban hương ước “trình làng” một số quy định bổ sung thực hiện nếp sống văn hoá, được cả làng nhất trí thực hiện. Theo đó, phần đường gần gia đình nào gia đình đó có trách nhiệm tự quản, tự dọn vệ sinh. Mỗi nhà phải làm một hố tập trung rác thải. Người nào vứt rác ra đường bị phạt 200 ngàn đồng, người nào phát hiện ra người vứt rác được thưởng 200 ngàn đồng, gia đình nào có chuyện đánh cãi, chửi nhau bị phạt 200 ngàn đồng. Riêng những người có hành vi dùng xung điện đánh bắt cá huỷ hoại môi sinh bị phạt 5 triệu đồng; bắt trộm chó, mèo bị phạt 2 triệu đồng. Những người vi phạm, ngoài bị phạt tiền còn bị phê bình trên loa truyền thanh, trong các buổi họp dân và không được xét công nhận gia đình văn hoá… Ông Trường tâm sự, việc làng có những quy định chặt chẽ như vậy mục đích chính là giáo dục ý thức sống có văn hoá, sống có kỷ cương cho người làng, nhất là thế hệ trẻ thôi. Thực tế từ ngày đưa ra quy định mới đến nay chưa có ai vi phạm để đến nỗi bị làng bắt phạt…

Việc “trong nhà” đã tạm xong, hiện tại làng tiếp tục tập trung làm một số công việc “ngoài đồng” trong lộ trình xây dựng “làng nông thôn mới”. Trước mắt tập trung thực hiện việc mở rộng 1,5km đường giao thông kết hợp thủy lợi nội đồng. Làng có hai trăm mẫu ruộng, ngoài hai vụ lúa/năm mấy năm qua một phần diện tích trong số đó đã được quy hoạch dùng sản xuất thêm rau màu vụ đông, cho hiệu quả kinh tế cao. Nay đang rất cần được đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ kế hoạch phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa của địa phương. “Làm đẹp làng, đẹp xóm cũng quan trọng nhưng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con còn quan trọng hơn rất nhiều”- ông bí thư chi bộ làng chia sẻ./.

Trần Duy Hưng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com