Mức thu cũ không còn phù hợp
Thời gian qua, cùng với ngân sách Nhà nước, nguồn thu học phí và chi phí học tập đã bảo đảm một phần nhu cầu chi thường xuyên của ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, mức thu học phí của tỉnh được xây dựng từ năm 1998 đến nay chưa thay đổi, trong khi mức lương tối thiểu đã 5 lần điều chỉnh. Tỷ trọng thu học phí so với tổng chi ngân sách giáo dục thống kê từ năm 2005 đến năm 2010 giảm dần, mức chi cho giảng dạy và học tập trong nhà trường còn hạn chế, do đó mức thu học phí hiện nay không còn phù hợp với thực tế đời sống kinh tế - xã hội và chủ trương cải cách tiền lương hàng năm của Chính phủ. Vì vậy, xây dựng lại mức học phí và các khoản chi phí học tập của học sinh đối với sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ đang được các nhà trường và nhân dân quan tâm, ủng hộ.
Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, Trường Mầm non Nam Mỹ (Nam Trực) được xây dựng khang trang trên diện tích 4.200m2. |
Từ năm học 2005-2006 đến năm học 2010-2011, các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng nội thành Nam Định thu học phí là 25 nghìn đồng/trẻ/tháng, vùng nông thôn là 18 nghìn đồng/trẻ/tháng; giáo dục tiểu học không thu học phí buổi 1 trong ngày, tiền học buổi 2 thu 12-15 nghìn đồng/tháng; giáo dục THCS thu 8-12 nghìn đồng; GDTX cấp THCS thu 10 nghìn đồng; giáo dục THPT thu 15-20 nghìn đồng/tháng; GDTX cấp THPT thu 30 nghìn đồng/tháng. Các khoản thu lệ phí tuyển sinh và các khoản đóng góp phục vụ xét và thi tốt nghiệp mức thu 3 nghìn - 40 nghìn đồng. Mức thu xây dựng để tăng cường cơ sở vật chất trường học của bậc học mầm non đến THPT và GDTX từ 100-270 nghìn đồng/học sinh/năm. Các khoản đóng góp như: điện thắp sáng, quạt điện, nước uống, vệ sinh, bảo vệ, đồ dùng, đồ chơi… có mức thu từ 10-18 nghìn đồng/học sinh/tháng. Tỷ trọng giữa học phí và chi phí học tập so với ngân sách chi cho giáo dục, năm học 2005-2006 chiếm 11%, năm học 2006-2007 chiếm 9,1%, năm học 2007-2008 chiếm 7,5%, năm học 2010-2011 chiếm 4,7%. Như vậy, đóng góp của xã hội cho giáo dục giảm dần theo từng năm. Với mức thu như vậy, các cơ sở giáo dục phải thực hiện tiết kiệm 40% số học phí để chi tăng lương cho cán bộ, giáo viên theo quy định của Chính phủ. Phần kinh phí phục vụ cho chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư cơ sở vật chất, sách, thiết bị ngày càng hạn chế, không đủ bù đắp cho hoạt động chi thường xuyên của các cơ sở giáo dục ở mức tối thiểu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đồng thời dễ nảy sinh vấn đề lạm thu trong các cơ sở giáo dục cũng như phải trông chờ từ nguồn vốn xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, đến thời điểm này, việc điều chỉnh mức thu học phí là cần thiết để các trường bù đắp cho các khoản chi phí, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục.
Áp dụng mức thu mới từ năm học 2011-2012
Đề án Quy định mức thu học phí và chi phí học tập đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và GDTX công lập trên địa bàn tỉnh áp dụng từ năm học 2011-2012 đến năm học 2014-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng trên cơ sở khung quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội và đóng góp của nhân dân cho phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Theo đó, đối với giáo dục mầm non, phổ thông và GDTX công lập, mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp của người dân nhưng không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng. Mức thu học phí mầm non được áp dụng cho trường mầm non công lập có đủ định mức biên chế theo Nghị quyết 141/NĐ-HĐND ngày 9-7-2010 của HĐND tỉnh. Mức thu học phí ngày thứ bảy đối với giáo dục mầm non, học 2 buổi/ngày đối với tiểu học, học nghề đối với THCS, THPT và GDTX thu theo buổi thực học và tự nguyện. Cơ sở giáo dục công lập có học sinh ngoài công lập được tự quyết định mức học phí trên cơ sở thu đủ chi, bảo đảm nguyên tắc phù hợp, công bằng giữa mức độ đóng góp với chất lượng GD-ĐT và công khai mức học phí cho từng năm học và cả khóa học theo quy định. Căn cứ khung mức thu quy định của Chính phủ và tình hình thực tiễn của tỉnh, mức thu học phí được phân thành 2 vùng nội thành và nông thôn, bắt đầu từ năm học 2011-2012, bậc học mầm non vùng nội thành sẽ áp dụng mức thu là 75 nghìn đồng/học sinh/tháng, vùng nông thôn là 50 nghìn đồng/học sinh/tháng; bậc THCS tương ứng là 60 nghìn đồng và 40 nghìn đồng; bậc THPT là 80 nghìn đồng và 55 nghìn đồng; GDTX cấp THPT là 80 nghìn đồng và 50 nghìn đồng. Riêng thu chi phí học tập khác như: chi phí học tập cho học sinh tại trường gồm học ngày thứ bảy của học sinh mầm non, học buổi 2 của học sinh tiểu học, học nghề THCS, THPT và GDTX do phục vụ trực tiếp cho học tập của học sinh, chỉ học sinh nào có nhu cầu học mới phải đóng góp, áp dụng với bậc mầm non học ngày thứ bảy là 7 nghìn đồng/ngày và học buổi 2 đối với tiểu học 3.000-3.500 đồng/học sinh/buổi đối với từng vùng; học nghề và thi nghề đối với THCS, THPT và GDTX thu 100-150 nghìn đồng. Ngoài ra, phụ huynh phải tự lo sách vở, trang phục, đồ dùng học tập, phù hiệu, học bạ, sổ liên lạc, ghế ngồi dự sinh hoạt đầu tuần, giữ xe đạp và các nhu cầu cá nhân của học sinh.
Thu học phí là vấn đề lớn, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do tỉnh quản lý vừa được HĐND tỉnh khoá XVII quyết định tại Kỳ họp thứ hai ngày 15-7-2011 vừa qua, đã căn cứ vào các yếu tố như hợp pháp, hợp lý và hợp lòng dân. Bắt đầu từ năm học 2011-2012, khi triển khai thực hiện, rất cần sự đồng thuận của phụ huynh và toàn xã hội, để góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT./.