Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

08:07, 29/07/2011

Vào dịp nghỉ hè, số vụ trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) lại gia tăng qua các năm. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan, sơ sểnh của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Dường như nhiều bậc phụ huynh chỉ chú trọng đến việc chăm lo cho con em học hành, sức khỏe và dinh dưỡng mà xao nhãng việc bảo đảm sự an toàn cho các em trong khi các em thường rất hiếu động, tò mò, thích khám phá nhưng lại ít được trang bị những kỹ năng cần thiết để phòng, chống TNTT.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB và XH), từ năm 2008 đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 3.375 vụ TNTT, trong đó có 295 trẻ tử vong, chủ yếu do đuối nước, tập trung tại các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng… Ngoài ra, các trường hợp TNTT như: ngã, ngộ độc thực phẩm, bỏng, tai nạn giao thông, súc vật cắn… tuy không dẫn tới tử vong nhưng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các em và gây tổn thất về kinh tế cho gia đình. Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai chương trình phòng, chống TNTT ở trẻ em, trong đó chú trọng công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về những hiểm họa TNTT và những kiến thức cơ bản về phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em; xây dựng “mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em”; “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn”; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh bổ ích và an toàn cho trẻ… Tuy nhiên, số trẻ em bị TNTT đến nay vẫn còn cao, mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ nhận thức của các bậc cha mẹ và của trẻ về các mối đe dọa từ môi trường, từ sinh hoạt hàng ngày và các yếu tố có nguy cơ cũng như những kỹ năng phòng, chống TNTT còn hạn chế. Ngoài việc thiếu quan tâm của gia đình, còn do bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá môi trường xung quanh mà các em không lường hết được nguy cơ có thể xảy ra; thậm chí tỷ lệ trẻ bị TNTT trong gia đình cũng không nhỏ. Ví dụ, tai nạn bỏng gây ra cho trẻ có nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn do để các vật dễ gây bỏng ở vị trí không thích hợp, trong tầm với của trẻ, không quan tâm, để mắt tới trẻ. Số trường hợp trẻ bị hóc, nghẹn, ngạt thở hay bị súc vật cắn cũng chiếm tỷ lệ cao (trong 3 năm qua có tới 173 trường hợp). Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ do tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông mà lỗi chính do người lớn vi phạm an toàn giao thông, thiếu sự giám sát, lấn chiếm sân chơi của trẻ, gây nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tâm không đáng có. Trong năm 2010, đã có 91 trẻ tử vong do đuối nước, 162 trẻ bị tai nạn giao thông. Nhiều gia đình còn chủ quan khi dùng điện, cầu thang không có thanh chắn, cho trẻ chơi đồ chơi không an toàn hay không cẩn thận trong việc lựa chọn, chế biến thực phẩm, sử dụng thực phẩm không an toàn dẫn đến các em bị ngộ độc. Theo ước tính từ đầu năm đến tháng 6-2011, đã có hàng chục vụ TNTT và 57 vụ đuối nước làm 23 trẻ tử vong.

Gánh nặng về thương tích trong trẻ em là rất lớn đối với gia đình và xã hội. Theo thống kê, trong tổng số 70% các ca chấn thương, thương tích và đuối nước ở trẻ em đều có thể phòng, tránh được nếu các em nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình, nhà trường và cộng đồng... Để phòng, tránh một cách chủ động, giảm thiểu tình trạng TNTT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động để mỗi trẻ em, mỗi gia đình và mọi người dân đều tích cực tham gia vào công tác phòng, chống TNTT cho trẻ. Các tổ chức đoàn thể, nhà trường và gia đình nên có những chương trình giáo dục với những hình ảnh trực quan, sinh động, giúp trẻ được tiếp xúc với những tình huống cụ thể, từ đó các em có được những kỹ năng cần thiết để chủ động phòng, tránh TNTT, hạn chế thấp nhất những điều đáng tiếc xảy ra. Việc chung tay xây dựng các chương trình hành động vì trẻ em, tạo môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ là việc làm cấp thiết của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần giảm nhẹ hậu quả của TNTT có thể xảy ra./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com