Gia đình là tế bào của xã hội, gồm những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, huyết thống. Tuy nhiên hiện nay, các mối quan hệ trong gia đình đang có nhiều nguy cơ bị phá vỡ, trong đó có nguyên nhân do các hành vi bạo lực trong gia đình gây ra.
Năm 2010, ngành Toà án nhân dân tỉnh đã giải quyết 79 vụ ly hôn có nguyên nhân do bạo lực gia đình (BLGĐ), tăng gần gấp đôi so với năm 2008. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi vẫn còn nhiều vụ BLGĐ đang diễn ra hằng ngày nhưng những người trong cuộc còn giấu, e ngại bởi nếp nghĩ đây là chuyện nội bộ gia đình. Nguyên nhân của các vụ BLGĐ một phần do tư tưởng độc đoán, gia trưởng của người chồng hoặc do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm và nhận thức về pháp luật, bình đẳng giới còn hạn chế. BLGĐ có nhiều cách biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau, có thể là bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần khiến người phụ nữ phải sống trong nỗi sợ hãi, lo lắng. BLGĐ đã và đang để lại hậu quả xã hội rất lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của các gia đình, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và tác động xấu tới các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình, xâm phạm tới quyền con người, nhất là quyền của phụ nữ và trẻ em… Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các hành vi BLGĐ đối với phụ nữ đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.
Là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam khoá X đã ban hành Nghị quyết số 07 “Về một số vấn đề có liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái”, trong đó nhấn mạnh tới việc tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Hội LHPN các cấp trong việc phòng, chống BLGĐ, đề cao vai trò giám sát của Hội Phụ nữ trong việc thực hiện các quyền của phụ nữ được quy định theo pháp luật. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới, hạn chế tình trạng BLGĐ, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Các cấp Hội Phụ nữ đã tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề, các hội thi, hội thảo, toạ đàm, sinh hoạt văn hoá văn nghệ, xây dựng các tiểu phẩm có chủ đề về BLGĐ, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc... Với việc thành lập 2.046 CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc tại các chi, tổ phụ nữ ở cơ sở đã thu hút hàng nghìn thành viên tham gia, trong đó có nhiều nam giới. Trong năm 2010 các CLB đã tổ chức 2.967 buổi tuyên truyền lồng ghép việc tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, các kỹ năng ứng xử trong gia đình vào nội dung sinh hoạt. Thông qua công tác tuyên truyền, đã giúp chị em nắm được các nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, nhận thức được quyền và nghĩa vụ của bản thân trong việc ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi mang tính bạo lực trong mỗi gia đình. Hội Phụ nữ còn là thành viên tích cực trong các hoạt động hoà giải ở cơ sở, là lực lượng nòng cốt của các tổ hoà giải, luôn có mặt kịp thời để lắng nghe và giải quyết “có tình có lý” những mâu thuẫn phát sinh, qua đó góp phần ngăn chặn nguy cơ phát sinh của các vụ BLGĐ. Bên cạnh đó, 100% cơ sở hội vận động cán bộ, hội viên học tập, đăng ký xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với việc xây dựng gia đình văn hoá, mô hình gia đình “5 không, 3 sạch’’, tuyên truyền vận động chị em thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Có nhận thức, hiểu biết đúng, nhiều chị em đã “lên tiếng” để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.
Thực tế, nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng BLGĐ là do những khó khăn về kinh tế dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, nhất là ở các vùng nông thôn. Để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành Hội và Hội Phụ nữ cơ sở rà soát, lập danh sách phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, từ đó xây dựng kế hoạch giúp đỡ hiệu quả. Ở nhiều địa phương, cơ sở còn phân công cụ thể cho mỗi chi Hội có trách nhiệm giúp 1-2 phụ nữ thoát nghèo... Trong đó, hoạt động hỗ trợ vay vốn mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng nhất. Tính đến nay, các cấp Hội đang quản lý, điều hành trên 800 tỷ đồng, cho 152.169 phụ nữ vay. Trong đó có 85,7% hộ gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ và đã có 36% số hộ thoát nghèo. Cùng với hoạt động hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, các cấp Hội Phụ nữ còn đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ như mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật...; trong đó có nhiều lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp, để lựa chọn một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. Hơn 2 năm qua, tại Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã dạy nghề cho 6.618 lao động, tư vấn giới thiệu việc làm cho 7.323 lao động, tư vấn xuất khẩu lao động cho 650 lao động. Ngoài ra, ở hầu hết các cơ sở Hội hàng năm đều mở các lớp dạy nghề: thêu ren, thêu túi kim sa, móc hộp sợi xuất khẩu, nghề mây tre đan, may công nghiệp..., góp phần tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nữ ở các địa phương. Nhờ đó, đời sống của các tầng lớp phụ nữ không ngừng được cải thiện, vai trò, vị thế của chị em trong gia đình cũng như ngoài xã hội không ngừng được nâng lên.
Trong công tác phòng chống BLGĐ và bất bình đẳng giới, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp Hội Phụ nữ rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Hơn hết, mỗi người phụ nữ cần phải nỗ lực trong việc nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết, tự làm chủ cuộc sống và có ý thức đấu tranh với các hành vi bạo lực để tự bảo vệ. Có như vậy nạn bạo hành gia đình mới có thể được ngăn chặn, đẩy lùi cùng hướng tới mục tiêu một xã hội không có BLGĐ./.