Hiện nay, mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) bằng y học cổ truyền (YHCT) ở tỉnh ta đã được duy trì, củng cố từ tỉnh đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bệnh viện Y học cổ truyền có 110 giường bệnh, 4 bệnh viện đa khoa có khoa YHCT, 8 bệnh viện đa khoa có tổ y dược học cổ truyền lồng ghép với khoa nội. Tuyến y tế cơ sở có 204/229 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia, có vườn thuốc nam mẫu và có hoạt động KCB bằng YHCT. Bên cạnh đó, mạng lưới KCB bằng YHCT ngoài công lập cũng phát triển. Hiện ở cả 10 huyện, thành phố có tổ chức Hội Y dược học cổ truyền hoạt động; 205/229 xã, phường, thị trấn có Chi hội Y dược học cổ truyền, với gần 500 phòng chẩn trị của hội viên trên địa bàn tỉnh, hằng năm đã tích cực tham gia KCB cho nhân dân bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. |
Những đóng góp của mạng lưới KCB bằng YHCT trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tỉnh là thực tế không thể phủ nhận, nhưng hiện nay công tác KCB bằng YHCT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị vừa thiếu, vừa lạc hậu. Là bệnh viện tuyến tỉnh nhưng cũng chỉ trang bị được một số máy cơ bản phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị như: Máy siêu âm đen trắng, máy xét nghiệm sinh hoá, máy xét nghiệm huyết học; hệ thống máy móc phục vụ công tác bào chế, sao tẩm, sắc thuốc quá cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc phục vụ người bệnh. Đội ngũ cán bộ chuyên sâu ngành y dược cổ truyền mỏng. Ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, cán bộ làm công tác KCB bằng YHCT chủ yếu là y sỹ nên chất lượng điều trị chưa cao. Ở các trạm y tế cơ sở, cán bộ được đào tạo về y dược học cổ truyền thiếu, đa phần là lương y, lương dược; một số trạm y tế ở Thành phố Nam Định không có mặt bằng hoạt động, phải đi thuê hoặc ở nhờ, không có đất để làm vườn thuốc mẫu. Việc sưu tầm, khai thác ứng dụng các bài thuốc hay, các cây thuốc quý và những kinh nghiệm trong phòng và chữa bệnh bằng YHCT trên địa bàn tỉnh chưa được phát huy có hiệu quả. Tỷ lệ điều trị bằng y dược học cổ truyền đơn thuần và điều trị kết hợp với y học hiện đại ở các tuyến chưa tương xứng với tiềm năng.
Để khắc phục những bất cập trên, ngành Y tế đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển YHCT của tỉnh đến năm 2020 song song với việc thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về tiếp nhận các cán bộ tuyến trên (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương) về chuyển giao kỹ thuật KCB cho bệnh viện tuyến dưới; cử cán bộ đi học bác sỹ để bổ sung đội ngũ cán bộ chuyên sâu về YHCT. Sở Y tế giao cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh xây dựng đề án nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, bồi dưỡng nguồn nhân lực để UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; phấn đấu đến năm 2015 nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II, quy mô 150 giường bệnh, với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu trong KCB và một số nhiệm vụ như: đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực YHCT... Ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành liên quan căn cứ vào Quy hoạch tổng thể ngành Y tế tỉnh đến năm 2020 để xây dựng, thẩm định dự án đầu tư phát triển mạng lưới KCB bằng y dược học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở. Phấn đấu đến năm 2020, số giường bệnh YHCT chiếm 10% tổng số giường điều trị của các bệnh viện đa khoa, có đủ trang thiết bị máy móc để áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bằng y học cổ truyền. Đến năm 2015, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có phòng khám, điều trị bệnh bằng YHCT riêng và có diện tích đất để xây dựng vườn thuốc mẫu, hướng dẫn nhân dân địa phương kỹ thuật trồng, thu hái và sử dụng thuốc nam chữa một số bệnh thông thường. Hội Đông y tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng đề án tăng cường vai trò của Hội Đông y trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền Việt Nam và từng bước xây dựng, kiện toàn tổ chức hội các cấp./.