Trong thời đại hiện nay, việc biết và sử dụng được ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong giao tiếp và làm việc ngày càng trở nên quan trọng đối với lao động trẻ. Thế nhưng, phần đông lao động trẻ hiện nay còn thiếu và yếu ngoại ngữ, một phần do các trường chưa thật quan tâm đến vấn đề này và một phần nữa là do những lao động trẻ chưa xem ngoại ngữ là công cụ cần thiết cho phát triển nghề nghiệp.
Mới đây, tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và các trường dạy nghề nhằm lựa chọn nghề trọng điểm và trường có nghề trọng điểm để phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) tổ chức rất nhiều doanh nghiệp đưa ra ý kiến về việc đào tạo chuyên sâu ngoại ngữ cho sinh viên học tại các trường nghề. Tay nghề cao mà không có trình độ ngoại ngữ thì khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Có ngoại ngữ không những có thể nghiên cứu chuyên sâu tài liệu của nước ngoài để nâng cao tay nghề mà còn có điều kiện ra nước ngoài làm việc với mức thu nhập khả quan.
Trong hội nghị, đại diện của Cty CP Du lịch Hải Phòng nêu lên thực trạng: Để đủ năng lực đón 10 triệu lượt khách vào năm 2012, ngành Du lịch Hải Phòng cần một đội ngũ nhân viên du lịch có trình độ chuyên môn vững ở từng lĩnh vực và thông thạo ngoại ngữ. Thế nhưng một thực tế đáng buồn là, những năm qua, các trường đào tạo nhân viên hướng dẫn du lịch của địa phương mới chỉ chú trọng đến đào tạo chuyên môn hướng dẫn du lịch, chứ chưa coi trọng đến đào tạo ngoại ngữ. Việc tuyển dụng sinh viên ngoại ngữ về rồi cho đi đào tạo chuyên ngành du lịch, nên rất tốn kém...
Tỷ lệ ứng viên sử dụng được ngoại ngữ cho giao tiếp và làm việc cao nhất thuộc về nhóm có bằng cấp chuyên môn về quản trị kinh doanh, ngoại thương (với 21% trong số 243 ứng viên thuộc nhóm này). Tỷ lệ trên là không cao nhưng lạc quan hơn nhiều so với nhóm tài chính - kế toán, nhóm làm việc tại văn phòng, chỉ có 10% trong số 449 ứng viên sử dụng được ngoại ngữ; còn lại 90% ứng viên ở nhóm này có chứng chỉ ngoại ngữ cao nhất là chứng chỉ B. Thấp nhất có lẽ là ở các nhóm ngành nghề kỹ thuật. Trong số 235 ứng viên các nhóm ngành kỹ thuật, kết quả tìm thấy dưới 5% sử dụng được ngoại ngữ. Hầu hết trong số này không theo học bất kỳ các khóa đào tạo ngoại ngữ nào mà chỉ học tiếng Anh chuyên ngành trong quá trình học chuyên môn.
Xem xét kỹ quá trình làm việc và thăng tiến nghề nghiệp của ứng viên, dễ nhận ra sự khác biệt về cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa hai nhóm ứng viên biết và không biết sử dụng ngoại ngữ. Cùng trình độ chuyên môn nhưng người sử dụng tốt tiếng Anh thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, họ có thể lựa chọn nơi làm việc tốt hơn, phổ biến là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thường có mức thu nhập cao hơn những người không sử dụng được ngoại ngữ.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng lao động luôn khẳng định, lao động trẻ Việt Nam rất năng động. Nhưng nhược điểm của họ là ít chịu đầu tư phát triển nghề nghiệp, trong đó có việc chưa xem trọng vai trò của ngoại ngữ, xem nó như công cụ để thuận lợi và thăng tiến hơn về việc làm. Hiện rất ít người Việt nắm giữ vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp nước ngoài mà nguyên nhân là do không biết ngoại ngữ.
Hiện nay, việc biết tiếng Anh là một trong những yêu cầu mà các nhà tuyển dụng, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt ra. Nhân viên có nghiệp vụ (tay nghề) cao mà thiếu khả năng giao tiếp bằng Anh ngữ sẽ đưa đến tình trạng bị khước từ trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Kết quả đáng chú ý được đúc kết từ khảo sát là phần đông ứng viên giỏi ngoại ngữ thường tìm được việc làm có mức thu nhập cao hơn ứng viên không biết ngoại ngữ từ 30% đến 50%. Ngoài ra, so với nhóm ứng viên không biết ngoại ngữ, cơ hội phát triển nghề nghiệp, việc thăng chức, thăng cấp quản lý của ứng viên biết ngoại ngữ nhiều hơn, mất ít thời gian hơn./.
Theo: qdnd.vn