Nỗi đau da cam và những tấm lòng nhân ái

08:07, 08/07/2011

Trong câu chuyện với chúng tôi, dù kìm nén cảm xúc, nhưng những đau thương từ thảm họa da cam gây nên cho gia đình khiến cựu chiến binh Phạm Hồng Phong, Thị trấn Lâm (Ý Yên) không kìm được nước mắt. Nhập ngũ năm 1972, anh tham gia chiến đấu tại Mặt trận Khu 5, chiến trường Tây Nguyên rồi tình nguyện sang làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, Căm-pu-chia. Tháng 7-1980, anh trở về quê hương với thương tật 41%, công tác tại xí nghiệp Thương binh 27-7 huyện Ý Yên. Anh xây dựng gia đình với cô kỹ sư nông nghiệp Phạm Thị Vinh. Năm 1981, chị Vinh sinh con đầu lòng đặt tên là Phạm Tuấn Thành. Lúc sinh ra, cháu Thành khóc suốt ngày; càng lớn, da cháu Thành nhợt nhạt dần, đôi mắt biến sắc và thường xuyên lên cơn co giật. Thời gian sau, chân tay cháu ngày càng teo lại và đến năm cháu tròn 2 tuổi thì mất. Những năm sau, vợ chồng anh sinh tiếp 3 con. Các cháu Phạm Văn Đức, Phạm Đức Hoàng cũng lần lượt mắc phải căn bệnh thể lực suy kiệt, bại liệt rồi mất. Trước những cái chết thương tâm của các con, anh Phong khuỵ ngã, nằm liệt giường suốt thời gian dài. Được sự quan tâm, động viên của gia đình, người thân, vợ chồng anh vơi dần nỗi đau… Hiện nay, niềm vui với anh Phong và chị Vinh là cô con gái Phạm Thị Thanh Phương, tuy cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam di truyền từ người cha nhưng em đã vượt lên bệnh tật, chăm ngoan học giỏi, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định hiện công tác tại Bệnh viện huyện Ý Yên. Tâm sự với chúng tôi, Phương cho biết: Tấm gương về nghị lực của người cha là động lực giúp em quyết tâm học hành để trở thành người thầy thuốc có điều kiện chăm sóc các bệnh nhân, nhất là những người bệnh nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, người khuyết tật. 

Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định tặng quà cho trẻ em nhiễm chất độc da cam, trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định tặng quà cho trẻ em nhiễm chất độc da cam, trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Tỉnh ta là một trong những địa phương có nhiều người bị phơi nhiễm da cam/đi-ô-xin, hiện có 12.358 người được hưởng chế độ chất độc da cam, trong đó có hơn 9.350 nạn nhân trực tiếp và trên 3.000 nạn nhân gián tiếp. Với truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng với các địa phương trong cả nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực vận động, trích quỹ nhân đạo, Quỹ bảo trợ nạn nhân da cam để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2010, toàn tỉnh đã có 20.074 lượt người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già cô đơn, nạn nhân da cam… được thăm, tặng quà, hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm ăn, hỗ trợ khám, chữa bệnh, xây dựng, sửa chữa nhà… với tổng trị giá 3 tỷ 196 triệu đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tặng quà và hỗ trợ cho các đối tượng này như: chùa Vọng Cung (TP Nam Định) tặng 150 suất quà trị giá 45 triệu đồng, trao 20 xe đạp và 25 sổ tiết kiệm trị giá 45 triệu đồng; Linh mục Phan Văn Điển, xứ Quần Vinh (Nghĩa Hưng) ủng hộ 68 triệu đồng; Linh mục Phạm Đức Quyến (Nghĩa Hưng) 35 triệu đồng; Sư thầy Thích Nhật Khánh, chùa Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) ủng hộ 200 suất quà trị giá 30 triệu đồng; Linh mục Nguyễn Văn Thiện, xã Hải Lý (Hải Hậu) ủng hộ 10 triệu đồng; Ni sư Thích Đàm Bích, chùa Linh Ứng, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) ủng hộ 120 suất quà trị giá 24 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Duy Khiêm, Việt kiều Mỹ quê Hải Đông (Hải Hậu) tặng 600 suất quà trị giá 108 triệu đồng; gia đình bà Vũ Thị Phin, Việt kiều Mỹ quê Hải Lý (Hải Hậu) ủng hộ 400 suất quà trị giá 28 triệu đồng. Thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đã có 9 tập thể, cá nhân hỗ trợ xây dựng 1 nhà chữ thập đỏ, tặng 493 suất quà, đỡ đầu 13 trẻ em là nạn nhân da cam, tặng 102 suất học bổng, quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Được sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ trẻ em nạn nhân da cam/đi-ô-xin của Pháp, trong năm qua đã trợ cấp học bổng đỡ đầu cho 15 cháu là nạn nhân da cam trị giá 77,6 triệu đồng; tiến hành khảo sát và xét duyệt cho 10 gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất tại xã Yên Thắng (Ý Yên) trị giá 70 triệu đồng. Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, 6 tháng đầu năm 2011, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã cứu trợ, vận động 4 tập thể, tặng 26 xe lăn cho người khuyết tật, thương binh và nạn nhân chất độc da cam, xây dựng 1 ngôi nhà, hỗ trợ học tập, nuôi dưỡng cho 73 học sinh tiểu học, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 240 triệu đồng.

Thực hiện Thông báo số 409 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, trong thời gian từ nay đến ngày 10-8-2011, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng về thảm họa da cam ở Việt Nam; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh hoá học và sự ủng hộ giúp đỡ nạn nhân da cam; phát động phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, vận động sự giúp đỡ của toàn xã hội đối với các nạn nhân chất độc da cam. Cùng với các địa phương trong cả nước, việc tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở tỉnh ta là dịp để đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại bởi cuộc chiến tranh hóa học đã gây ra đối với môi trường sống và sức khỏe con người; kêu gọi nhân dân, dư luận trong nước và quốc tế tiếp tục thúc đẩy Chính phủ Mỹ giải quyết những vấn đề về chất độc da cam ở Việt Nam, tổ chức các phong trào ủng hộ về vật chất, tinh thần giúp đỡ các nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống./.

Bài và ảnh: Khánh Ngọc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com