Mất vệ sinh an toàn thực phẩm: Sẽ không còn là nỗi lo thường trực

07:07, 04/07/2011

Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) lâu nay vẫn khiến dư luận bức xúc. Nhiều vấn đề như việc tiếp tục sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thuỷ sản, thực phẩm, việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm ATTP do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng. Từ ngày 1-7-2011, Thông tư 13 của Bộ NN-PTNT về hướng dẫn kiểm tra ATTP hàng hoá có nguồn gốc thực vật nhập khẩu chính thức có hiệu lực sẽ giúp cơ quan chức năng chặn thực phẩm “nhiễm bẩn” ngay từ cửa khẩu.

Khi sức khoẻ người tiêu dùng bị đe doạ

Lâu nay, dư luận vẫn phải đối mặt với những món hoa quả, thực phẩm chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bởi, để bảo vệ sản phẩm cây trồng, người ta thường dùng nhiều biện pháp để phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất, thậm chí dùng cả thuốc bảo vệ thực vật để giữ cho bề ngoài của hoa quả, rau củ tươi ngon. Hệ luỵ từ việc đó là dư lượng hoá chất trong rau, quả, củ cao gấp nhiều lần cho phép, tiềm ẩn không ít nguy cơ gây mất ATVSTP, thậm chí gây các bệnh về lâu dài, rất có hại đối với sức khoẻ con người. 

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một yêu cầu bức thiết của toàn xã hội. Ảnh: PV
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một yêu cầu bức thiết của toàn xã hội.
Ảnh : Internet

Cửa khẩu Lạng Sơn là nơi trung chuyển và tiêu thụ một khối lượng không nhỏ các sản phẩm thực vật nhập khẩu, trong đó chủ yếu là hoa quả tươi. Từ lâu, người tiêu dùng đã có nhiều nghi ngại về độ ATVSTP của các loại hoa quả nhập khẩu này. Có một điều đặc biệt là, dù qua thời gian vận chuyển cho đến khi tới tay người tiêu dùng, thì những sản phẩm hoa quả nhập nói trên vẫn tươi ngon, thậm chí còn bóng mượt như các loại lê, táo, quýt... Trước những bất cập trên, bắt đầu từ 1-7-2011, các loại hàng hoá có nguồn gốc thực vật như quả nho, quả thuộc chi cam quýt, rau tươi, khoai tây, cà chua... nhập khẩu sẽ được kiểm tra VSATTP chặt chẽ theo quy định của Bộ NN-PTNT. Theo đó, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 sẽ triển khai ở các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo quy định, hàng hoá nhập khẩu phải được lấy mẫu tại địa điểm do cơ quan kiểm tra quyết định, có 2 phương thức kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm được áp dụng. Đối với kiểm tra thông thường, sẽ thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa đến 10% tuỳ theo mức độ rủi ro của hàng hoá. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện bất kỳ trong số các lô hàng kiểm tra nhập khẩu. Lô hàng kiểm tra được phép làm thủ tục thông quan sẽ không phải chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP.

Đối với phương thức kiểm tra chặt chẽ, sẽ thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất 30% khi phát hiện 1 lô hàng kiểm tra trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP; tần suất 100% khi phát hiện 2 lô hàng kiểm tra liên tiếp trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP. Trong trường hợp phải tiến hành phương thức kiểm tra chặt, chủ hàng phải tự bảo quản hàng hoá và chỉ được thông quan khi có chứng nhận về ATTP do cơ quan kiểm tra cấp hoặc được cơ quan kiểm tra cho phép.

Tiến tới sẽ “phòng vệ” từ xa hơn nữa

Một trong những quy định của Thông tư 13 là khi kiểm nghiệm 2 mẫu lô hàng kiểm tra liên tiếp có kết quả đạt yêu cầu thì sẽ áp dụng phương thức kiểm tra thông thường. Chủ hàng thực hiện đăng ký kiểm tra về ATTP với cơ quan kiểm tra tại cửa khẩu trong thời gian ít nhất 24 giờ trước khi hàng về đến cửa khẩu.

Do sức ép về thời gian nên việc lấy mẫu vẫn phải đảm bảo cho thông quan trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, để kiểm tra về ATVSTP, từ lúc lấy mẫu, kiểm tra phân tích, đến lúc báo kết quả cho khách hàng cũng phải 3-4 ngày sau. Nhiều ý kiến thắc mắc, với thời gian kiểm tra dài như vậy sẽ khiến doanh nghiệp bị mất thời gian, chậm trễ trong việc giao hàng, hoặc gây hư hỏng hàng hoá trong quá trình lưu kho? Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng: Nếu hàng đã kiểm tra và lấy mẫu rồi, không nhất thiết phải giữ hàng hoá đó, vì không thể giữ các loại rau, củ, quả tươi sống lâu được. Trong trường hợp phát hiện thấy lô hàng vi phạm các vấn đề về ATVSTP, cơ quan chức năng sẽ xử lý và tăng cường các biện pháp kiểm tra chặt chẽ, lô hàng có thể tiêu huỷ, bắt tái chế, thay đổi mục đích sử dụng. Nếu vi phạm nghiêm trọng, sẽ có chế tài tiếp theo là tạm đình chỉ nhập khẩu với các loại hàng hoá đó. “Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiến tới cách phòng vệ từ xa là kiểm tra tại gốc những thực phẩm ở những nước có nhu cầu xuất khẩu hàng hoá nông sản sang Việt Nam”.

Được biết, hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật có 9 chi cục trực thuộc, với 60 trạm kiểm dịch thực vật đóng tại các cửa khẩu đường bộ, cảng, sân bay. Thêm nữa, đối với các cửa khẩu quan trọng, hàng hoá nhiều, sẽ được tăng cường thêm máy móc, cán bộ kiểm dịch cho cửa khẩu đó./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com