Qua 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP của Chính phủ về Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong cộng đồng, đẩy mạnh tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống tội phạm, tạo sự chuyển biến về trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật.
Cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Xuân Bắc (Xuân Trường) phát tài liệu tuyên truyền về phòng chống ma túy cho nhân dân. |
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hằng năm Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt tuyên truyền viên pháp luật ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với nội dung tập trung phổ biến kiến thức pháp luật và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tổ chức biên soạn, cung cấp hàng nghìn tài liệu về phòng, chống các loại tội phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng chống tội phạm; phát hàng chục nghìn tờ gấp tìm hiểu về pháp luật phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho nhân dân; biên soạn và phát hành cuốn “Nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở” cho các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, phát hành cuốn “Tìm hiểu về trình tự, thủ tục pháp luật trong một số lĩnh vực” cho 3 đơn vị điểm là xã Minh Tân (Vụ Bản), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), phường Phan Đình Phùng (Thành phố Nam Định). Riêng năm 2009, Sở Tư pháp cung cấp cho các đơn vị, địa phương 377 cuốn sách pháp luật “Tìm hiểu pháp luật về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em” do Bộ Tư pháp biên soạn; bổ sung gần 2.000 cuốn sách pháp luật cho 30 đơn vị chỉ đạo điểm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; trang bị nhiều đầu sách pháp luật về đất đai, dân sự, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phòng chống tội phạm trong tình hình mới… cho cán bộ và nhân dân thôn Hải Lạng Trang, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng); trao tặng sách pháp luật cho cán bộ và nhân dân xã Đại Thắng (Vụ Bản)... Cùng với việc đẩy mạnh biên soạn, cấp phát tài liệu, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập 343 CLB tuyên truyền phổ biến pháp luật với trên 50 nghìn thành viên; trong đó, Hội Nông dân có 19 CLB với 745 thành viên, Hội LHPN có 198 CLB với 40.800 thành viên, Đoàn Thanh niên có 126 CLB. Ngoài ra, ở các thôn, xóm, tổ dân phố còn nhiều mô hình CLB có nội dung sinh hoạt liên quan đến pháp luật thu hút hàng vạn cán bộ, hội viên tham gia.
Thực hiện Đề án “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân về bảo vệ an ninh trật tự” thuộc Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Sở Tư pháp đã chỉ đạo điểm xây dựng CLB “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” ở xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường). Hoạt động của CLB đã góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trên địa bàn. Đến nay, mô hình CLB tuổi trẻ phòng chống tội phạm đã được nhân rộng và hoạt động có hiệu quả; tiêu biểu như CLB “Tuổi trẻ với pháp luật” tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng). Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng như: LĐLĐ tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền phổ biến cho cán bộ và nhân dân các quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm mại dâm, ma tuý, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Phối hợp với Sở LĐ-TB và XH thực hiện Dự án ngăn ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng (do tổ chức Plan tài trợ); giới thiệu Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các văn bản có liên quan tới trẻ em cho gần 1.500 cán bộ, học sinh THCS thuộc 4 đơn vị điểm, gồm: Trường THCS Yên Cường, THCS Yên Hưng (Ý Yên), phường Trường Thi, phường Văn Miếu (Thành phố Nam Định). Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời các quy định của pháp luật cho nhân dân, nhất là nhóm người có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình, ngăn ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.
Với những kết quả đạt được qua hơn 12 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường sống lành mạnh, sống và làm việc theo pháp luật. Các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm. Việc thực hiện Đề án “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự” của ngành Tư pháp đã góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của công dân.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, rất cần sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường các nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trang bị tài liệu pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, trưởng thôn, cán bộ văn hoá thông tin, cán bộ đoàn thể ở cấp xã. Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, chú trọng tuyên truyền thông qua sinh hoạt của cộng đồng dân cư, của các CLB, qua đó nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật cho nhân dân, góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật tại cơ sở./.