Cần xây dựng chương trình quản lý tật khúc xạ gắn với chăm sóc mắt ban đầu cho học sinh

07:07, 18/07/2011

Thực trạng tật khúc xạ trong học sinh

Tại tỉnh ta, theo số liệu điều tra ở một số trường trong năm 2010, tỷ lệ tật khúc xạ (TKX) của học sinh tại Thành phố Nam Định là 23,04%; huyện Hải Hậu là 19,49%; huyện Trực Ninh là 12,9%. Tháng 4-2011, Bệnh viện Mắt tỉnh khảo sát tại 9 trường THCS thuộc 9 huyện cho thấy số học sinh bị TKX chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 23,75%. Trong tổng số 4.838 em, có 1.149 em mắc TKX. Tại các trường, lớp không chuyên số học sinh mắc TKX là 514 em/3.194 em, chiếm 16,09%. Tại các trường chuyên, lớp chọn, số học sinh mắc TKX là 635 em/1.644 em, chiếm 38,63%. Trong số các em mắc TKX, có 40% không được điều chỉnh kính, 30% đeo kính không đúng số, ảnh hưởng đến kết quả học tập và phát triển thể chất.  

Khám và điều trị các bệnh về mắt cho sinh viên tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Ảnh: Thu Hà
Khám và điều trị các bệnh về mắt cho sinh viên tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Ảnh: Thu Hà

Tình hình học sinh mắc TKX ngày càng tăng có thể gây mù lòa, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, khả năng lao động và học tập; đặc biệt là viễn thị và loạn thị có thể gây lác thị, nhược thị làm giảm thị lực và mất thẩm mỹ của các em. Cận thị nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến mù lòa vĩnh viễn như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc... Thạc sỹ Trần Huy Đoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết: Một số yếu tố làm gia tăng tỷ lệ khúc xạ do cường độ học tập cao, ngồi học không đúng tư thế, đọc sách ở nơi thiếu ánh sáng, mắt không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, thói quen xem tivi gần, thời gian sử dụng máy vi tính, chơi điện tử kéo dài, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng... là những nguyên nhân dễ dẫn tới mắc các bệnh về mắt ở học sinh. Hiện trạng việc quản lý trẻ mắc TKX chủ yếu là gia đình đưa đi khám và chỉnh kính nhưng phần lớn là các gia đình có điều kiện, còn trẻ em trong các gia đình khó khăn, trẻ em ở nông thôn chưa được quan tâm khám và chỉnh kính. Trong khi đó, việc khám và chỉnh kính cho trẻ mắc TKX là một trong những biện pháp can thiệp hữu hiệu nhất để giảm tỷ lệ mù lòa. Tuy nhiên hiện nay giáo viên và cha mẹ học sinh hiểu biết các kiến thức cơ bản về phòng tránh TKX, bệnh ở mắt của học sinh còn hạn chế, khiến tỷ lệ mắc TKX ngày càng gia tăng.

Chương trình quản lý TKX gắn với chăm sóc mắt ban đầu cho học sinh

Hằng năm, vào đầu năm học, các trường đều tổ chức khám sức khỏe toàn diện cho học sinh, trong đó có khám mắt, phát hiện các cháu có thị lực thấp, hướng dẫn và thử kính. Năm 2010, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Helen Keller (Mỹ), nhóm nhãn khoa cộng đồng Thành phố Nam Định đã tiến hành thí điểm dự án chăm sóc TKX, tổ chức tập huấn, tuyên truyền giáo dục và khám sàng lọc cho học sinh tại 4 trường: Tiểu học Phạm Hồng Thái, Tiểu học Mỹ Xá, THCS Hàn Thuyên, THCS Lộc Hạ. Tuy nhiên, việc quản lý TKX hiện nay còn nhiều bất cập do chưa có mạng lưới cán bộ y tế được trang bị kỹ năng và phương tiện khám sàng lọc khúc xạ; nhận thức của giáo viên, phụ huynh học sinh về vấn đề TKX còn thấp, kinh phí thực hiện chương trình hạn chế. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia Y tế trường học giai đoạn 2011-2015 trong đó có công tác quản lý TKX. Bệnh viện Mắt tỉnh, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Y tế trường học sẽ xây dựng chương trình y tế trường học, trong đó có đào tạo quản lý TKX cho học sinh trong năm học tới để trình BCĐ Y tế trường học của tỉnh phê duyệt. Về công tác đào tạo, trong 2 năm: 2009, 2011, Bệnh viện Mắt tỉnh cử 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng học lớp kỹ thuật viên khúc xạ do ICEE (Úc) tổ chức.

Để nâng cao hiệu quả công tác khám, phát hiện và quản lý TKX trong học sinh, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai Chương trình Y tế trường học, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức về phòng chống TKX cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, y tế trường học và giáo viên để kịp thời phát hiện học sinh mắc TKX. Xây dựng hệ thống quản lý TKX trong toàn tỉnh và kinh phí để hoạt động, đồng thời ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT quản lý TKX cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường cần thường xuyên giáo dục cho học sinh tránh những thói quen xấu trong sinh hoạt, thực hiện vệ sinh học đường để phòng tránh những nguy cơ mắc TKX. Học sinh đã mắc TKX phải định kỳ khám ít nhất 6 tháng một lần tại các chuyên khoa mắt để được chỉnh kính và tư vấn kịp thời./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com