Cần nhận thức đầy đủ về dân số, chất lượng dân số, đặc biệt là bảo vệ và chăm sóc đời sống của trẻ em. Ảnh: Internet |
Những năm qua, công tác dân số - KHHGĐ tỉnh ta được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực, triển khai các biện pháp thực hiện. Đến nay, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu về chiến lược dân số. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt gần 80%, tỷ suất sinh từ 18,6 phần nghìn năm 2000 giảm xuống còn 15,69 phần nghìn năm 2010, dân số tự nhiên tăng khoảng 1%, cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên giảm từ 18,7% năm 2000 xuống còn 13,72% năm 2010. Tuy nhiên, công tác dân số - KHHGĐ vẫn còn nhiều bất cập. Kết quả giảm sinh chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn cao, tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh. Sáu tháng đầu năm 2011, số người sinh con thứ ba trở lên trong toàn tỉnh là 1.687 người, tỷ số giới tính khi sinh là 115 bé trai/100 bé gái. Riêng huyện Trực Ninh tỷ số giới tính khi sinh 134 bé trai/100 bé gái. Đây là thách thức không nhỏ đối với công tác dân số - KHHGĐ, làm biến đổi cơ cấu dân số, nảy sinh các vấn đề về an sinh xã hội, vấn đề về hôn nhân, làm mất cân bằng tâm, sinh lý giới tính và gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, tệ nạn mại dâm...
Để nâng cao chất lượng công tác dân số - KHHGĐ, thời gian qua, các hoạt động truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi, bình đẳng giới với nội dung, hình thức phong phú và chọn cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng được tăng cường. Hằng năm, nhân Ngày Dân số thế giới (11-7), Ngày Dân số Việt Nam (26-12) các địa phương trong tỉnh đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng về công tác dân số - KHHGĐ, lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ ở tất cả các xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc thực hiện KHHGĐ. Công tác dân số - KHHGĐ được các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội xác định là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi tập thể, đơn vị, cá nhân. Công tác dân số - KHHGĐ ở khu vực biên giới biển cũng được Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực tham gia tuyên truyền thông qua các đợt sinh hoạt của tổ tự quản an ninh đầm bãi, tổ tự quản trên biển và 18 CLB “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” do các đồn Biên phòng và Hội Phụ nữ các xã, thị trấn ven biển thành lập. Hội Nông dân tỉnh thực hiện truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ với chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ vốn, giống, vật tư, kinh nghiệm làm ăn đến các hội viên. Hội LHPN tỉnh duy trì thường xuyên hoạt động của các CLB: Phụ nữ không sinh con thứ 3, gia đình hạnh phúc, bà mẹ có con tuổi vị thành niên, đối tượng tuổi vị thành niên. Tỉnh Đoàn thành lập đội kịch tuyên truyền các vấn đề về giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, biểu diễn hàng trăm buổi, kết hợp cấp phát tài liệu, sách báo về phòng chống HIV/AIDS, các tệ nạn xã hội tại 62 xã, thị trấn, thôn xóm, trường học ở 2 huyện Mỹ Lộc và Nam Trực.
Bên cạnh việc phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện KHHGĐ, nhiều đề án, dự án nhằm từng bước cải thiện chất lượng dân số được tích cực triển khai như: “Truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng về quyền trẻ em”, “Kiểm tra sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân”, “Lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững”, “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh thai nhi, trẻ sơ sinh”… Đặc biệt, đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020” đã và đang triển khai hiệu quả, góp phần tăng cường kiểm soát dân số, tập trung hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ của nhân dân các xã, thị trấn ven biển. Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” năm 2010 được triển khai tại 5 huyện, thành phố, gồm: Nam Trực, Mỹ Lộc, Trực Ninh, Ý Yên và Thành phố Nam Định nhằm hạn chế tình trạng chênh lệch giới tính, phá vỡ sự phát triển bền vững của xã hội. Cùng với việc tiếp tục thực hiện và mở rộng triển khai các mô hình, đề án, công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở siêu âm, sử dụng kỹ thuật cao, hướng dẫn sinh con theo ý muốn, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi được tăng cường, góp phần khống chế sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh.
Để nâng cao hiệu quả công tác dân số - KHHGĐ, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số để đưa thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ đến người dân. Ngoài ra, cùng với việc động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ, các địa phương cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số. Có như vậy, công tác dân số - KHHGĐ mới thực hiện tốt mục tiêu giảm sinh vững chắc, tiến tới ổn định quy mô dân số./.
Lam Hồng